Chị Toán phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ trồng trọt
– Chị Hoàng Thị Toán, sinh năm 1982, trú tại thôn Bản Mặn, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình là hội viên phụ nữ thuộc Chi hội Phụ nữ thôn Bản Mặn, xã Khánh Xuân. Trong những năm qua, chị luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế hộ.
Năm 2005, chị Toán lập gia đình, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy mảnh vườn, sào ruộng nên thu nhập bấp bênh không ổn định. Năm 2016 có dự án trồng bưởi da xanh được triển khai về xã, chị bàn với chồng mạnh dạn đăng ký 150 cây để trồng. Sau một thời gian chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau đó chị tiếp tục mua gần 300 cây bưởi Diễn và bưởi Hoàng về trồng. Chị Toán cho biết: Thời gian đầu mới trồng bưởi, do không có kinh nghiệm chăm sóc nên cây sinh trưởng và phát triển không được tốt. Vừa trồng, tôi vừa tham khảo kỹ thuật từ các nhà vườn và tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã phối hợp tổ chức. Sau các lớp tập huấn, bản thân đã có một số kiến thức nhất định và xử lý kịp thời khi gặp các vấn đề về sâu bệnh hại, bón phân, tưới tiêu… Tôi đã áp dụng kiến thức học được vào mô hình trồng bưởi của gia đình, dần dần mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hoàng Thị Toán, thôn Bản Mặn, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình chăm sóc vườn Bưởi
Cụ thể, vào mùa khô, thay vì để cây phát triển tự nhiên thì vợ chồng chị Toán đầu tư máy bơm và vòi nước để tưới tiêu cho cây bưởi. Để phòng ngừa sâu hại quả, cho mẫu mã quả đẹp, vợ chồng chị đã chủ động mua túi ni lông để bọc quả. Cùng đó áp dụng các kỹ thuật bón phân cho cây đúng thời kỳ, liều lượng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cây… Nhờ áp dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, vườn bưởi của gia đình chị cho năng suất, sản lượng và thu nhập tương đối cao. Ngoài ra, gia đình chị Toán còn tích cực trồng, chăm sóc khoảng 2 ha cây thông, những năm gần đây cũng đã cho thu hoạch nhựa.
Với việc mạnh dạn thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng, trong những năm gần đây, gia đình chị Toán có thu nhập ổn định khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, điều kiện kinh tế gia đình chị đã khá giả hơn, nuôi 2 con ăn học đầy đủ. Không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình, chị Toán còn vận động các hộ trong và ngoài xóm cùng làm theo, đến nay đã có 5 hộ trong thôn thực hiện mô hình trồng trọt như gia đình chị. Trong công tác hội, chị Toán luôn tích cực tham gia sinh hoạt, thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua do Hội LHPN xã phát động; thực hiện tốt nhiệm vụ của người hội viên và trách nhiệm của công dân ở địa phương nơi cư trú. Hằng năm, gia đình đều được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.
Bà Lý Thị Ba, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Xuân cho biết: Trong những năm qua, Hội LHPN xã tích cực tuyên truyền hội viên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Qua đó, có một số hội viên phát triển kinh tế tương đối hiệu quả, nổi bật có chị Hoàng Thị Toán đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả và trồng rừng. Không chỉ thế, chị Toán còn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của hội, tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt đến chị em hội viên trong xã. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục nhân rộng, tuyên truyền mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Toán để các hội viên phụ nữ tích cực học tập, làm theo, nâng cao đời sống.
Với những kết quả, thành tích đạt được, chị Hoàng Thị Toán được Hội LHPN huyện và Hội LHPN tỉnh biểu dương ghi nhận về thành tích trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động, phong trào của hội phụ nữ. Mới đây, chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương năm 2022.
Ý kiến ()