Chỉ tiêu mua gạo tạm trữ còn thấp so với lượng lúa hàng hóa
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh: TRUNG CHÁNH Vụ lúa đông xuân 2012, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo trồng gần 1,7 triệu ha, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, sản lượng hơn 11 triệu tấn. Người nông dân chưa kịp mừng vì vụ đông xuân năm nay trúng mùa thì tình trạng rớt giá, lúa ứ đọng khó tiêu thụ lại tiếp diễn. Thậm chí giá lúa giảm mạnh ngay trong thời gian các doanh nghiệp tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ.Niềm vui trúng mùa không trọn vẹnNgoài số lượng dự trữ an ninh lương thực và một phần làm giống sản xuất vụ hè thu, lượng lúa hàng hóa tại ĐBSCL còn khá lớn. Để giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, Chính phủ đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiến hành mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo (tương đương hai triệu tấn lúa) từ ngày 15-3, với giá lúa tối thiểu không dưới 5.000 đồng/kg, bảo đảm cho nông dân có lãi. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo...
![]() Nông dân đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa. Ảnh: TRUNG CHÁNH |
Niềm vui trúng mùa không trọn vẹn
Ngoài số lượng dự trữ an ninh lương thực và một phần làm giống sản xuất vụ hè thu, lượng lúa hàng hóa tại ĐBSCL còn khá lớn. Để giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, Chính phủ đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tiến hành mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo (tương đương hai triệu tấn lúa) từ ngày 15-3, với giá lúa tối thiểu không dưới 5.000 đồng/kg, bảo đảm cho nông dân có lãi. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiến hành giải ngân, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp được VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian ba tháng, từ ngày 15-3.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc cho biết, hiện toàn tỉnh thu hoạch gần xong 208.490 ha lúa đông xuân, năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Đây là vụ lúa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay nhưng nông dân lại gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất cao, thất thoát lớn, lợi nhuận thấp. VFA đã phân bổ chỉ tiêu cho sáu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thu mua tạm trữ 83 nghìn tấn gạo và hiện các đơn vị này đã thu mua gần đủ số lượng. Tuy nhiên, lượng lúa hàng hóa trong dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung là rất lớn. Trong khi tiến độ mua của các doanh nghiệp chậm lại thì giá lúa lại sụt giảm. Ngay tuần đầu, các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ thì giá lúa có nhích lên nhưng không đáng kể. Sau đó lại sụt giảm, thậm chí giảm mạnh ngay trong thời điểm mua tạm trữ.
Tỉnh An Giang được giao chỉ tiêu mua tạm trữ 101 nghìn tấn gạo. Đến nay, bảy doanh nghiệp trong tỉnh đã mua 73 nghìn tấn gạo, đạt 72,2% chỉ tiêu. Chỉ còn vài ngày nữa đến hạn chót của quyết định mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông xuân theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thế nhưng giá lúa gạo trên thị trường vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Giá lúa mua trong dân hiện còn thấp, giá bình quân lúa ướt tại An Giang chỉ từ 3.800 đồng đến 4.050 đồng/kg, lúa khô cũng chỉ từ 4.300 đồng/kg trở lại. Đây là mức giá quá thấp, không bảo đảm lợi nhuận cho nông dân từ 30% trở lên. Tại xã Tân An, thị xã Tân Châu (An Giang), ông Nguyễn Văn Bé đang thu hoạch hơn 30 tấn lúa muốn khóc ròng khi giá xuống quá thấp. “Mọi năm, vụ đông xuân tui bán lúa tươi tại đồng cũng được 4.200 đồng/kg trở lên, vậy mà bây giờ chỉ còn 3.700 đồng/kg mà không có thương lái đến. Hiện mùa mưa đã đến, lại vào kỳ rộ cho nên máy gặt đập liên hợp thì ít, giá cắt lên hơn 500 nghìn đồng/công, lúa sập nhiều, nhân công phơi không có cho nên càng khổ hơn”. Trong khi đó, tại xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, ông Trần Văn Khen bày tỏ: “Nghe Nhà nước mua lúa tạm trữ, nông dân mừng lắm vì nghĩ giá lúa sẽ tăng, ai dè chuyện thu mua mấy ông doanh nghiệp làm ăn sao không biết, còn giá lúa thì cứ sụt hằng ngày. Đầu vụ lúa IR50404 còn mua giá 4.600 đồng/kg lúa ướt, bây giờ, xuống chưa được 3.900 đồng/kg. Với giá này, nông dân lỗ chắc”.
Tỉnh Kiên Giang có bốn doanh nghiệp được giao chỉ tiêu, đồng thời được hỗ trợ lãi suất mua 64 nghìn tấn gạo tạm trữ. Đến nay, các doanh nghiệp đã mua hơn 50 nghìn tấn và đang tiếp tục triển khai công tác thu mua. Công ty Du lịch-Thương mại Kiên Giang là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ lực của tỉnh, đợt này được giao chỉ tiêu mua 24 nghìn tấn gạo. Công ty đã mua được khoảng 20 nghìn tấn, với mức giá từ 7.000 đồng đến 7.200 đồng/kg. Là một thành viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Công ty Xuất nhập khẩu Kiên Giang chỉ được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 10 nghìn tấn gạo. Theo lãnh đạo công ty, ngay khi có chủ trương và chỉ tiêu mua tạm trữ, công ty đã phân bổ cho năm xí nghiệp trực thuộc triển khai mua. Nhằm bảo đảm giá lúa không thấp hơn 5.000 đồng/kg và người nông dân có lãi từ 30 đến 40% theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các xí nghiệp đã chủ động lập biên bản thống nhất với thương lái về giá mua lúa trong dân. Công ty cũng đã đưa ra mức giá mua gạo mới cao hơn trước: gạo 5% tấm giá 8.300 đồng/kg; gạo 15% tấm giá 7.900 đồng/kg. Đến nay, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ. Theo Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Hùng Linh, trong hai tuần đầu triển khai mua tạm trữ, giá lúa đã tăng từ 300 đồng đến 500 đồng/kg, nhưng sau đó chững lại và sụt từ 100 đồng đến 200 đồng/kg. Nguyên nhân, thời gian đầu các doanh nghiệp và thương lái đồng loạt triển khai mua tạm trữ cho nên có lực hút tác động vào thị trường lúa gạo. Nhưng sau đó tiến độ mua chậm lại vì các doanh nghiệp sắp hoàn thành chỉ tiêu, lực hút giảm cho nên giá lúa lại sụt giảm. Đến nay, chỉ tiêu mua tạm trữ gạo ở Kiên Giang chỉ còn khoảng 14 nghìn tấn gạo, tương đương khoảng 28 nghìn tấn lúa. Trong khi đó, lượng lúa còn trong dân lên đến gần một triệu tấn.
Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch hơn 71 nghìn ha lúa đông xuân, còn khoảng 7.000 ha nữa sẽ thu hoạch dứt điểm vào trung tuần tháng 4 này, ước sản lượng đạt hơn 570 nghìn tấn, trong đó, sản lượng lúa hàng hóa khoảng hơn 400 nghìn tấn. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá lúa liên tục tuột dốc. Hiện, giá lúa tươi ở Hậu Giang là 4.000 đồng/kg, giá lúa khô khoảng 4.600 đồng đến 4.800 đồng/kg. Thậm chí ở vùng thu hoạch lúa đông xuân muộn như Long Mỹ, Vị Thủy, bà con bán lúa tươi tại ruộng chỉ còn 3.500 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg so với tuần trước), nhưng không có thương lái vào mua, kể cả lúa IR50404 hay hạt dài. Nhiều nông dân đang đứng ngồi không yên vì lúa không bán được, lấy tiền đâu để trang trải các khoản chi phí. Theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp Hậu Giang, giá thành sản xuất vụ lúa đông xuân khoảng 3.760 đồng/kg. Với giá này, lợi nhuận của nông dân rất thấp, chưa kể tình trạng không bán được lúa, đang đẩy bà con lâm vào cảnh khó khăn trong việc lo sản xuất vụ lúa hè thu tới. Mặc dù Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 30 nghìn tấn và đã cơ bản hoàn thành, nhưng xem ra còn quá ít so với khoảng 200 nghìn tấn lúa hàng hóa còn tồn hiện nay của tỉnh chưa bán được.
Cần giám sát nguồn vốn thu mua
Để chuẩn bị kế hoạch nguồn vốn phục vụ cho công tác mua lương thực vụ đông xuân 2011-2012, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã ban hành Công văn số 91/ANG-NCTHKS yêu cầu thủ trưởng các tổ chức tín dụng trên địa bàn lập kế hoạch đăng ký nguồn vốn cho vay mua lương thực. Kết quả, có 28 tổ chức tín dụng đăng ký cho vay mua lương thực vụ đông xuân 2011-2012, với tổng doanh số cho vay hơn 6.700 tỷ đồng, đáp ứng đủ nhu cầu mua khoảng 1,150 triệu tấn lúa hàng hóa (quy gạo 745 nghìn tấn). Liên quan đến việc triển khai vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, gạo tại An Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Sau khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc giải ngân vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cung ứng đầy đủ nguồn vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, theo ghi nhận của chúng tôi, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã đáp ứng đủ nguồn vốn theo nhu cầu để mua tạm trữ 101 nghìn tấn gạo theo chỉ tiêu. Vậy, nguồn vốn cung ứng cho việc mua tạm trữ lúa gạo là không thiếu, thế nhưng vì sao giá lúa vẫn thấp? Đáp án cho vấn đề nêu trên có thể nằm ở chỗ các doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích và có hay không việc “té nước theo mưa” khi lúa đông xuân vào kỳ thu hoạch rộ để ép giá đối với người nông dân. Thực tế nhiều năm qua, việc triển khai vốn cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo nhưng giá lúa vẫn không được cải thiện bởi công tác giám sát bị bỏ ngỏ.
Một vấn đề đặt ra là nông dân được hưởng lợi ít từ mua tạm trữ, mà lợi ích chủ yếu tập trung về tay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo. Và có hay không chuyện doanh nghiệp dùng tiền hỗ trợ lãi suất ưu đãi mua lúa tạm trữ để sử dụng vào mục đích khác? Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc cho rằng, trên thực tế không thể kiểm soát nổi vấn đề này. Đồng chí kiến nghị Bộ NN và PTNT chỉ đạo các công ty đặt hàng mua để trên cơ sở đó, địa phương sẽ vận động người dân sản xuất các vùng nguyên liệu cung cấp cho công ty. Nếu làm tốt khâu gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thì sẽ hạn chế được cách làm tự phát của nông dân, nhất là lúa gạo phẩm cấp thấp.
Tại ĐBSCL, tổng diện tích gieo sạ các giống lúa chất lượng thấp trong dân chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tại Kiên Giang, các giống lúa chất lượng thấp chiếm đến 32% diện tích, phần lớn là giống IR50404. Riêng ở huyện Châu Thành, lúa IR50404 được gieo sạ lên tới hơn 70% diện tích, trong tổng số 19 nghìn 890 ha. Xuất khẩu gặp khó, chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ bằng một phần mười nhu cầu tiêu thụ, lúa chất lượng thấp chiếm tỷ lệ cao là những nguyên nhân khiến giá lúa không thể tăng và khó tiêu thụ. Đây là vấn đề đáng lo ngại tại vựa lúa ĐBSCL.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó, bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như: Ấn Độ, Mi-an-ma, Cam-pu-chia; nhất là mặt hàng gạo phẩm cấp thấp. Trong quý I, chỉ xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, giảm 42,5% cả về số lượng và giá trị. Dự báo, tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn đến hết quý II. Vì vậy đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ lúa gạo trong nước, nhất là lúa IR50404 giảm giá mạnh, khó bán. Trong khi đó, diện tích lúa IR50404 lên đến 435 nghìn ha, sản lượng vụ đông xuân khoảng ba triệu tấn, không thể tiêu thụ hết.
Thực tế cho thấy, việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu. Trong trường hợp xuất khẩu khó khăn, nếu có hệ thống kho chứa để tồn trữ cũng là cách giảm thiệt hại cho nông dân. Nhưng hiện nay, các kho chứa gạo ở Hậu Giang chỉ có sức chứa từ 50 nghìn tấn đến 60 nghìn tấn, chỉ đáp ứng khoảng 13 đến 14% nhu cầu. Về giống là một trong những hạn chế lớn của ngành nông nghiệp Hậu Giang. Chỉ tính riêng vụ lúa đông xuân này, toàn tỉnh có gần 60% diện tích sử dụng giống lúa IR50404.
Để cung cấp đủ nguồn giống cho diện tích đất lúa khoảng 82 nghìn ha của tỉnh, trong năm 2012, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch mở rộng 250 ha sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng, đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2.500 ha để sản xuất giống lúa cấp xác nhận. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư công tác giống lúa trong năm 2012 là khoảng 81,5 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay tỉnh mới chỉ cân đối được 14,7 tỷ đồng từ nguồn giống khắc phục hậu quả lũ lụt.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc đã có Công văn số 259-CV/TU ngày 5-4-2012 gửi Ban Bí thư. Trong đó, đề nghị Ban Bí thư chỉ đạo Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng chỉ tiêu mua lúa tạm trữ, trong đó có tỉnh Hậu Giang, nhằm bảo đảm cho nông dân có lãi từ 30% trở lên; sớm đầu tư xây dựng kho trữ lúa ở ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi trong tồn trữ, tiêu thụ lúa cho nông dân, nhằm duy trì, phát triển và tái đầu tư sản xuất lúa cho các vụ tiếp theo; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Bộ NN và PTNT cần có phối hợp với các tỉnh ĐBSCL bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Theo Nhandan

Ý kiến ()