Chí thoát nghèo của một thương binh nặng
Chúng tôi đến thăm nhà đồng chí Nguyễn Duy Lữ, 60 tuổi, thương binh nặng (TBN) loại 1/4, 36 tuổi Ðảng, ở xóm Mả Râm, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh), đúng lúc thương lái từ Ninh Bình tìm sang mua hơn ba tạ ba ba trị giá hơn 100 triệu đồng. Lo xong chuyện giao dịch với bạn hàng, ông chủ mới có thời gian trò chuyện với khách.
Chúng tôi đến thăm nhà đồng chí Nguyễn Duy Lữ, 60 tuổi, thương binh nặng (TBN) loại 1/4, 36 tuổi Ðảng, ở xóm Mả Râm, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Ðịnh), đúng lúc thương lái từ Ninh Bình tìm sang mua hơn ba tạ ba ba trị giá hơn 100 triệu đồng. Lo xong chuyện giao dịch với bạn hàng, ông chủ mới có thời gian trò chuyện với khách.
Chắp nối câu chuyện bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại gọi đến hỏi mua hàng, trao đổi kinh nghiệm nuôi ba ba, tôi hình dung được phần nào quyết tâm vượt khó, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng của gia đình TBN Nguyễn Duy Lữ.
Năm 1981, được người thân trong gia đình và bạn bè động viên, ông Lữ quyết định rời Trại TBN Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam) trở về quê nhà gây dựng cuộc sống gia đình với người vợ Trần Thị Tẹo. Mặc dù được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, chính quyền xã tạo điều kiện về mọi mặt như cho nhận ruộng tốt, ruộng gần để sản xuất nhưng cuộc sống không khỏi thiếu trước, hụt sau; nhất là khi cậu con trai đầu lòng chào đời. Hai vợ chồng động viên nhau, xoay đủ mọi nghề làm kế sinh nhai, miễn là lao động chính đáng và có tiền để nuôi con. Ngoài việc cấy gần một mẫu ruộng khoán sản, ông Lữ mở thêm hiệu may quần áo “bình dân” tại nhà. Cái nghề may, học trong những ngày ở Trại TBN Liêm Cần những tưởng chỉ để cho vui, không ngờ lại giúp gia đình ông Lữ trụ vững trong khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 1991, khi đã có chút vốn trong tay, ông Lữ quyết định đầu tư mua hơn 400 con ba ba giống để nuôi trong ao nhà với nhiều hy vọng, nhưng không thành. Chị Tẹo khóc ròng mấy ngày. Còn ông, hằng ngày nhìn lũ ba ba giống lăn ra chết mà lòng như lửa đốt. Mất ngủ, suy nghĩ nhiều, làm những vết thương cũ tái phát, sức khỏe suy sụp nhưng vẫn không thể làm giảm quyết tâm chiến thắng đói nghèo trong ông. “Trắng tay” vì ba ba và nghề may “bình dân” của gia đình thời điểm đó cũng không theo kịp mẫu mốt thời trang, vì quần áo may sẵn tràn lan khắp chợ quê, vợ chồng ông đành phải đóng cửa hiệu, chuyển sang nghề mổ lợn. Nghề hàng giát không cần nhiều vốn nhưng vất vả, phải dậy từ ba, bốn giờ sáng. Những hôm mưa phùn, gió bấc vất vả vô cùng. Nhờ tần tảo lao động, vợ chồng ông đã xây được năm gian nhà kiên cố, nuôi dạy ba người con ăn học đến nơi, đến chốn.
Cuộc sống đã tạm đủ đầy, nhưng ông Lữ vẫn chưa từ bỏ ước mơ làm giàu bằng nghề nuôi ba ba. Khi biết có người nuôi ba ba giỏi dù ở Nam Ðịnh hay các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên là ông Lữ lại tìm đến tham quan, học hỏi rồi tự rút ra những bài học kinh nghiệm. Năm 2003, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vợ chồng ông xin chính quyền xã Hồng Quang cho phép cải tạo năm sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả thành khu nuôi thả ba ba. Ðược tin, anh em trong Hội TBN đến cổ vũ động viên, cho ông vay không lấy lãi 15 triệu đồng. Với kinh nghiệm thu thập được và bài học từ sự thất bại của chính bản thân, lần này vợ chồng ông Lữ thả khoảng hai nghìn con giống (giá 7.000 đồng/con) trong ao nhỏ nhưng bảo đảm kỹ thuật, có môi trường sinh thái phù hợp với điều kiện sống của loài ba ba trong tự nhiên. Nhưng rồi trong hai năm đầu (2006 – 2007), con giống vẫn chết đến hai phần ba; cố gắng lắm mới thu đủ vốn. Qua tìm hiểu, ông đã tìm ra nguyên nhân ba ba giống bị chết hàng loạt là do bị “sốc” khi đưa từ nơi khác về, môi trường sống thay đổi đột ngột. Vì vậy, cách tốt nhất là phải chủ động được nguồn giống ngay tại địa bàn. Nghĩ là làm, ông Lữ vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Nam Trực 60 triệu đồng để xây dựng khu cho ba ba đẻ. Nguồn giống bố mẹ được lựa chọn từ những con ba ba còn lại trong hai năm trước đó và thuần dưỡng trong ao nuôi của gia đình. Ðồng thời tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây khu nuôi thả ba ba liên hoàn bao gồm ao nuôi ba ba giống, khu ấp trứng và bốn ao (200 m2/ao) để nuôi gối vụ ba ba thương phẩm. Từ đó, việc nuôi ba ba của TBN Nguyễn Duy Lữ dần ổn định và bắt đầu có lãi. Từ năm 2010 đến nay thì rất thành công; trong ba năm (2010- 2012), bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi từ ba ba khoảng 300 triệu đồng. Nếu “mưa thuận, gió hòa” thì năm 2013, ông Lữ sẽ thu hoạch lượng ba ba trong hai ao trị giá khoảng 700 triệu đồng. Hai ao nuôi còn lại sẽ thu hoạch vào năm tiếp theo, giá trị gấp hai lần so với năm 2013 này.
Ðến thời điểm này, TBN Nguyễn Duy Lữ là người ở huyện Nam Trực (Nam Ðịnh) thành công trong việc nuôi ba ba, từng bước vươn lên làm giàu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()