Chỉ tập trung buộc tội dễ dẫn đến oan sai
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi).
“Nhăm nhăm” buộc tội
Để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình, cần hiểu vấn đề này không chỉ theo nguyên tắc trên mà còn cần chú trọng xử lý theo hướng có lợi cho người có tội.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm, quy định này chưa toát lên được thế nào là xuất phát từ “nguyên tắc suy đoán vô tội”. Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, trước hết, tất cả người tiến hành tố tụng, đặc biệt là điều tra viên phải xuất phát từ tư tưởng người đó không có tội; đồng thời phải chú ý đến các tình tiết ngoại phạm của nghi can. Đặc biệt, phải làm thế nào tránh được tình trạng ngay từ đầu đã có ấn tượng, xác định là tội phạm và cố tình thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ theo định hướng có sẵn, dẫn đến các vụ án oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lệ Thị Thu Ba cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ xác định người bị tình nghi, truy tố được suy đoán không có tội cho đến khi có bản án của tòa án có hiệu lực, mà trong các căn cứ để buộc tội phải xử lý, giải thích các chứng cứ đó theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.
Bà Lê Thị Thu Ba lưu ý: Tránh trường hợp lâu nay, trong thực tế hay mắc phải là các cơ quan tố tụng không chú ý đến các tình tiết gỡ tội mà thường chỉ tập trung chứng minh tội phạm, buộc người đó chịu tội, thậm chí có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử một tội hoặc tuyên một hình phạt nào đó.
Băn khoăn thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Liên quan đến biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt (Điều 219 đến Điều 224), về đối tượng, thẩm quyền và biện pháp áp dụng, đa số ý kiến tán thành với dự thảo, tuy nhiên đề nghị chỉ quy định những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp, đồng thời để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ làm căn cứ khởi tố, điều tra đối với các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên “chỉ nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử”, Chủ nhiệm Hiện nói.
Về thời điểm áp dụng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết: Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án là phù hợp để bảo đảm chặt chẽ, khả thi của việc áp dụng các biện pháp này.
Nêu quan điểm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn nói, nếu quy định thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án thì sẽ rất khó khăn, thậm chí là “bó tay” cơ quan tiến hành tố tụng. Dẫn chứng trường hợp, một người báo tin con trai bị bắt cóc ngày mai phải đưa tiền, khi đó vụ án chưa khởi tố, ông Bình đặt vấn đề nếu không cho sử dụng các biện pháp điều tra đặc biệt như: nghe điện thoại bí mật thì sao bắt được tội phạm? . Trên cơ sở đó, đề nghị cần áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi xác minh nguồn tin về tội phạm.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, nếu áp dụng biện pháp này sau khi khởi tố sẽ hạn chế hiệu quả điều tra. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng lưu ý: Biện pháp điều tra đặc biệt liên quan trực đến quyền con người, quyền công dân, vì vậy cần rà soát, hạn chế thực hiện. “Chỉ được thực hiện sau khi đã áp dụng các biện pháp khác”, ông Lý nói.
Cũng trong chiều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()