Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giảm
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương diễn ra chiều 5-8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước và cùng kỳ, nhưng vẫn còn chuyển biến chậm.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương diễn ra chiều 5-8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp từng tháng vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước và cùng kỳ, nhưng vẫn còn chuyển biến chậm.
Ðiều này chứng tỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) còn gặp nhiều khó khăn, sức mua xã hội còn thấp… Tuy nhiên, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giảm. Ðầu tháng 7-2013, chỉ số tồn kho tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm đầu tháng 1-2013. Nguyên nhân hàng tồn kho giảm, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, do nhiều mặt hàng có sức tiêu thụ tăng cao, đơn cử như phân u-rê tăng 41,3%, quần áo may mặc thường tăng 8,6%, xe máy tăng 19,1%, giày dép da tăng 11,9%, xi-măng tăng 14,2%… Ngành có tỷ lệ tồn kho giảm nhiều là sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%, may trang phục giảm 1,3%, giày dép giảm 19,2%…
Trả lời các cơ quan báo chí về khả năng giảm giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm, Bộ Công thương cho rằng, việc quyết định giá thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, với trách nhiệm phối hợp, Bộ Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến giá thế giới, tuy nhiên việc quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu phụ thuộc vào yếu tố giá xăng dầu trên thế giới bình quân 30 ngày cộng với các yếu tố khác liên quan đến thuế, phí. Liên quan đến việc xây dựng dự thảo thay thế Nghị định 84/2009/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đang triển khai lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ trong tháng 9.
Theo Nhandan
Ý kiến ()