Chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 13 năm
Số liệu chính thức cho thấy, chỉ số giá của nhà sản xuất trong tháng Tám tại Trung Quốc tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 9% ghi nhận trong tháng Bảy.
Lạm phát giá sản xuất trong tháng 8/2021 tại Trung Quốc ở mức cao nhất trong 13 năm, khi giá cả tiếp tục tăng dù chính phủ nước này đã có các giải pháp nhằm hạ nhiệt.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá của nhà sản xuất trong tháng Tám tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức dự báo tăng 9% theo khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) và mức tăng 9% trong tháng Bảy.
Mức tăng của tháng Tám là mạnh nhất kể từ tháng 8/2008. Công bố số liệu trên, một quan chức NBS là Dong Lijuan cho biết các lĩnh vực sản xuất than, hóa chất, kim loại là nguyên nhân chính khiến giá tăng trong tháng Tám.
Kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh sau khi giảm sút vào năm ngoái do tác động của dịch, nhưng mất động lực gần đây do sự bùng phát dịch ở trong nước, giá nguyên liệu thô cao, những kiểm soát thị trường bất động sản được thắt chặt hơn và chiến lược giảm lượng khí thải CO2.
Giá hàng hóa tăng mạnh trong những tháng gần đây, ảnh hưởng tới sản xuất tại các nhà máy. Giá than tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục trong ngày 7/9, do những lo ngại về nguồn cung khi các khu vực sản xuất than lớn bắt đầu các đợt kiểm soát an toàn mới.
Theo một thông báo khác của NBS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Tám tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1% theo khảo sát của Reuters và dưới mức mục tiêu khoảng 3% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm nay.
Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế xã hồi nhằm kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta như hạn chế đi lại, từ đó khiến nhu cầu dịch vụ giảm, dù nước này gần như đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch mới nhất.
CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 1,2% trong tháng Tám, so với mức tăng 1,3% trong tháng Bảy./.
Ý kiến ()