Chỉ số giá lương thực tăng trong tháng 10/2016
Ngày 10/11, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thông báo chỉ số giá các sản phẩm lương thực ở mức trung bình 172,6 điểm trong tháng 10, tăng 0,7% so với tháng trước và 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do chỉ số giá các loại ngũ cốc cơ bản tăng lần đầu tiên kể từ 3 tháng qua.
Chỉ số giá các sản phẩm lương thực của FAO tăng trong tháng 10/2016 (Ảnh minh họa: FAO)
Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường. Trong tuyên bố được đưa ra, FAO lưu ý rằng chỉ số này tăng đều đặn kể từ đầu năm 2016, ngoại trừ tháng 7.
Theo FAO, chỉ số giá các sản phẩm lương thực tăng trong tháng 10 được lý giải chủ yếu do giá đường và các sản phẩm từ sữa tăng. Chỉ số giá đường của FAO đã tăng 3,4% vào tháng 10, trong bối cảnh nhiều thông tin cho thấy tình trạng thiếu hụt sản xuất tại khu vực Trung – Nam của Brazil và ở bang Maharashtra của Ấn Độ. Chỉ số giá các sản phẩm từ sữa tăng 3,9% kể từ tháng 9, một phần là do giá phô mai và đặc biệt là bơ cao hơn, một hiện tượng có thể được lý giải bởi nhu cầu từ Liên minh châu Âu tiếp tục tăng sau một thời gian giảm nguồn dự trữ.
Ngược lại, chỉ số giá các loại dầu thực vật và mỡ lại giảm 2,4% kể từ tháng 9, chủ yếu là do giá dầu cọ giảm và lượng cầu nhập khẩu của thế giới hồi phục. Chỉ số giá thịt cũng giảm 1% trong tháng 10, do lượng cầu của Trung Quốc đối với thịt lợn từ châu Âu giảm.
Trong khi đó, chỉ số giá ngũ cốc tăng 1% trong tháng vừa qua, bắt nguồn từ sự suy giảm các nguồn dự trữ lúa mì chất lượng cao, ngay cả khi triển vọng chung của các vụ thu hoạch lúa mì toàn cầu đã được cải thiện.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc dự báo sản lượng ngũ cốc và các nguồn dự trữ đều điều chỉnh tăng. Theo đó, sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2016 sẽ vào khoảng 2.571 triệu tấn, tăng nhẹ so với dự báo được FAO đưa ra hồi tháng 10 và tăng 1,5% so với sản lượng năm 2015.
Các số liệu mới nhất trong Bản thông tin của FAO về cung và cầu ngũ cốc công bố ngày 10/11 cho thấy điều chỉnh tăng đáng kể đối với triển vọng sản lượng lúa mì toàn cầu, sẽ lên tới 746,7 triệu tấn, tăng 4,3 triệu tấn so với dự báo từng được FAO đưa ra vào tháng trước.
Tại Nga, sản lượng lúa mì dự kiến sẽ thiết lập kỷ lục mới, trong khi điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ thúc đẩy triển vọng sản lượng ở Kazakhstan. Sự gia tăng sản lượng lúa mì và lúa mạch của thế giới bù đắp mạnh cho sự suy giảm 4,8 triệu tấn sản lượng ngô dự kiến cho năm 2016, do điều kiện thời tiết dẫn đến năng suất thấp ở Brazil, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ. Dự báo sản lượng gạo toàn cầu vẫn không thay đổi.
Diện tích gieo trồng lúa mỳ cho vụ mùa 2017 ở bán cầu Bắc cho thấy những người nông dân Mỹ hiện giảm diện tích gieo trồng, do dự báo giá tương đối thấp và lượng xuất khẩu vừa phải hơn. Tình trạng này được giải thích bởi giá trị của đồng đô la Mỹ tăng. Diện tích gieo trồng lúa mì ở Nga và Ukraina tuy vậy lại cao hơn so với các năm trước.
Trong khi đó, nông dân ở các nước Nam bán cầu đã bắt đầu trồng các loại cây ngũ cốc cho mùa hè năm 2017 và điều kiện khí hậu thuận lợi tạo đà cho tăng trưởng sản lượng ở Nam Mỹ. Diện tích ngô trồng ở Argentina tăng 6% so với mức được ghi nhận vào năm ngoái.
Tổng lượng sử dụng ngũ cốc cho vụ mùa 2016/17 hiện lên tới 2.562 triệu tấn, tăng nhẹ so với tháng 10 và tăng 1,7% so với năm trước.
Một trong những lý do chính khiến việc sử dụng các loại ngũ cốc gia tăng là việc sử dụng thức ăn đa dạng hơn. Việc sử dụng lúa mì làm thức ăn gia súc sẽ tăng 6,1%, lên 146,6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay.
Việc tiêu thụ các loại ngũ cốc của thế giới cũng dự kiến lên 1.106 triệu tấn, tăng 1,3% so với năm ngoái, đủ để duy trì mức độ tiêu thụ bình quân đầu người ổn định trên toàn cầu.
Các nguồn dự trữ ngũ cốc của thế giới dự kiến sẽ tăng, đạt 662 triệu tấn vào cuối mùa năm 2017, chủ yếu nhờ nguồn dự trữ lúa mì tăng cao, đặc biệt là ở Trung Quốc, Mỹ và Nga./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()