Chỉ số cải cách hành chính Nhìn thẳng hạn chế, từng bước nâng thứ hạng
– Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính – CCHC (PAR INDEX) của tỉnh tụt 31 bậc so với năm 2021. Trong đó, có một số chỉ số thành phần giảm cả về điểm và xếp hạng. Đây là kết quả thấp nhất của tỉnh kể từ khi Bộ Nội vụ thực hiện việc xác định chỉ số này đến nay.
Đoàn viên thanh niên thành phố Lạng Sơn hướng dẫn người dân tra cứu thông tin thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý hiệu quả đã được Bộ Nội vụ ban hành và triển khai áp dụng đến nay là năm thứ 11 để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời, thông qua chỉ số giúp cho các bộ, cơ quan, địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có giải pháp cải thiện, nâng chất lượng, hiệu quả công tác này.
Làm rõ nguyên nhân
Năm 2022, chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh được đánh giá trên 8 lĩnh vực với 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, điểm đánh giá qua báo cáo và tài liệu kiểm chứng chiếm 68 điểm; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học chiếm 32 điểm (năm 2022, tỉnh Lạng Sơn khảo sát với tổng số 395 phiếu khảo sát trực tuyến).
Kết quả, theo công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC năm 2022 của Lạng Sơn giảm cả về điểm số và xếp hạng, trong đó có những chỉ số thành phần nằm trong nhóm các tỉnh thấp nhất cả nước. Cụ thể, Lạng Sơn đạt 81,45%, xếp hạng 54/63 tỉnh, giảm 5,66%, tụt 31 bậc so với năm 2021.
Một trong những chỉ số thành phần có sự tụt giảm mạnh đó là xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Được biết, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai quyết liệt, thường xuyên duy trì, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử; thiết lập, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, tuy nhiên, chỉ số thành phần này vẫn còn 4,08 điểm chưa đạt tối đa. Trong đó, có những tiêu chí của chỉ số này chưa đạt yêu cầu như: việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình chỉ đạt 69,24%; các chỉ tiêu về thực hiện thanh toán trực tuyến đều chưa đạt 100%…
Kết quả trên chưa tương xứng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện các giải pháp tăng cường CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phục vụ người dân, tổ chức doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh cho biết: Chỉ số CCHC năm 2022 có sự tụt hạng xuất phát từ các nguyên nhân. Cụ thể do đặc thù của tỉnh chưa thể triển khai ngay một số tiêu chí thành phần, đặc biệt là tiêu chí về giảm đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là trong những tháng đầu năm 2022 nên một số tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội chưa đạt. Bên cạnh đó, trình độ dân trí tại các địa bàn dân cư được khảo sát có sự khác biệt, một số nội dung quy định, thuật ngữ hành chính trong phiếu điều tra còn trừu tượng đối với người dân, ảnh hưởng phần nào đến kết quả đo lường hài lòng của người dân, tổ chức.
Cùng với đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai công tác CCHC nên một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng kết quả còn thấp; đặc biệt là các chỉ tiêu về số hóa hồ sơ TTHC, thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC, thu hút đầu tư, thu ngân sách của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hiệu quả, chất lượng trên tất cả các lĩnh vực; năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận công chức, viên chức, nhất là ở cấp cơ sở chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế; còn có người dân được hỏi chưa hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và còn có lãnh đạo, quản lý, đại biểu HĐND tỉnh chưa đánh giá cao kết quả công tác CCHC của tỉnh, điểm khảo sát chỉ đạt 16,4/22 điểm, xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố.
Đồng bộ giải pháp
Để thực hiện hiệu quả công tác CCHC, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC trên địa bàn tỉnh đề ra 48 nhiệm vụ cụ thể và bám sát phương châm hành động “siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”, trong đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai có trọng tâm, trọng điểm đối với tất cả các nội dung thuộc công tác này. Đồng thời, giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu UBND tỉnh về công tác CCHC thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả.
Công chức Bộ phận “một cửa” UBND huyện Văn Quan trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân
Đặc biệt, ngay sau khi kết quả chỉ số CCHC năm 2022 được công bố, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng báo cáo chi tiết phân tích các chỉ số cụ thể, từ đó chỉ rõ những chỉ số thấp, những cơ quan, đơn vị làm chưa tốt, ảnh hưởng đến việc xếp loại các chỉ số của tỉnh. Tháng 5/2023, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) phân tích kết quả một số chỉ số đạt thấp của tỉnh, trong đó có chỉ số CCHC, đề ra một số giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số này trong năm tiếp theo.
Chỉ số CCHC năm 2022 cấp tỉnh được đánh giá trên 8 chỉ số thành phần gồm: (1) công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; (2) cải cách thể chế; (3) cải cách thủ tục hành chính; (4) cải cách tổ chức bộ máy; (5) cải cách chế độ công vụ; (6) cải cách tài chính công; (7) xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; (8) tác động của cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội. |
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2022, chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong chỉ số CCHC chung chưa đạt. Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số này, ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số. Đồng thời, sau khi chỉ số được công bố, chúng tôi cũng đã tổ chức họp, phân tích kỹ những nội dung đã đạt, chưa đạt, bị mất điểm. Kết quả hiện tại, toàn tỉnh đã triển khai cung cấp được 1.415 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) một phần, toàn trình. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, hệ thống đã tiếp nhận 157.027 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 146.953 hồ sơ (đạt 93,6%). Từ nay đến cuối năm 2023, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khắc phục các nội dung còn hạn chế đã được chỉ ra để góp phần nâng cao chỉ số CCHC năm 2023.
Văn Quan là một trong những đơn vị năm 2022 còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác CCHC theo công bố chỉ số CCHC của UBND tỉnh. Cụ thể năm 2022, chỉ số CCHC của huyện chỉ đạt 78.50% và xếp thứ 10/11 huyện, thành phố, giảm 1 bậc so với 2021. Kết quả của huyện ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả CCHC chung của tỉnh. Ông Nông Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Ngay sau khi có kết quả chỉ số CCHC, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị phân tích chỉ số CCHC của huyện, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục sát với tình hình thực tiễn, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan đơn vị và người đứng đầu hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai thực hiện CCHC. Đồng thời, tập trung tăng cường hướng dẫn, khuyến khích người dân thực hiện DVCTT. Đặc biệt, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch khắc phục chỉ số CCHC năm 2023, trong đó đặt mục tiêu vươn lên xếp hạng thứ 6/11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Để khắc phục chỉ số CCHC đạt thấp, sau khi tổ chức hội nghị phân tích chỉ số, tháng 6/2023, UBND tỉnh tổ chức họp xem xét dự thảo kế hoạch nâng cao các chỉ số đạt thấp, trong đó có chỉ số CCHC và kế hoạch CCHC tỉnh Lạng Sơn năm 2023, thay thế Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 1/1/2023 của UBND tỉnh (bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện trong năm 2023). Trong đó, nêu rõ mục tiêu phấn đấu trong năm 2023, chỉ số CCHC đạt từ 85% trở lên và nằm trong nhóm 35 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, gắn trách nhiệm với các cơ quan chuyên môn chủ trì phụ trách các tiêu chí. Đến nay, hai bản kế hoạch đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra CCHC năm 2023, phê duyệt kế hoạch kiểm tra nội dung, chuyên đề công tác CCHC theo các lĩnh vực; chỉ đạo kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với CCHC.
Nhờ những giải pháp đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các lĩnh vực, nội dung công tác CCHC được triển khai đồng bộ, đảm bảo nội dung, yêu cầu. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ TTHC toàn tỉnh giải quyết đúng hạn đạt 99,8%; 105.673 hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã thực hiện số hoá lên kho dữ liệu của tỉnh (trong đó: cấp tỉnh: 18.420 hồ sơ; cấp huyện, xã: 87.253 hồ sơ); kết nối chính thức 14/17 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; đăng kiểm phương tiện đường bộ…), còn 3/17 hệ thống đang trong giai đoạn kết nối kiểm thử; đã cấp được 22.826 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân…
Bà Hoàng Thị Luân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Chỉ số CCHC là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC, chính vì vậy việc quan tâm, nâng cao chất lượng chỉ số hằng năm là yêu cầu cần thiết. Từ nay đến cuối năm 2023 và trong những năm tiếp theo, Sở Nội vụ sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác CCHC, trong đó tập trung triển khai, thực hiện các nội dung chuyển đổi số; triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2025. Cùng đó là tăng cường kiểm tra CCHC gắn với các hoạt động kiểm tra chuyên ngành…
PHƯƠNG DUNG - HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()