Chi phí giá thành tăng cao, doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”
Chưa kịp mừng khi sản xuất đã hồi phục trở lại và chờ mong sức mua gia tăng sau khi thuế giá trị gia tăng các loại sản phẩm được giảm, nay các doanh nghiệp lại “đứng ngồi không yên” vì giá xăng dầu tăng phi mã, kéo theo chi phí giá thành tăng cao.
Chi phí giá thành “đè nặng” doanh nghiệp
Những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản bắt đầu sôi động trở lại khi các thị trường lớn tăng nhu cầu sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Điều này giúp Công ty TNHH MTV Thủy sản Nghi Sơn có thêm nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng, doanh nghiệp thủy sản này lại phải đối diện với nỗi lo chi phí giá thành tăng cao sau hàng loạt đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Nghi Sơn chia sẻ: “Giá xăng ngay lập tức tác động đến đời sống của hơn 500 công nhân Nhà máy sản xuất của công ty. Họ đều phàn nàn và yêu cầu doanh nghiệp trợ cấp tiền xăng bởi số tiền tăng thêm đã lên đến vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên sử dụng xăng dầu cho công tác vận chuyển, đi lại và các chi phí khác. Chưa kể, chi phí thuê container, giá dịch vụ logistics cũng đều tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến công ty trong thời gian tới”.
Đối với mặt hàng khác là dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, hiện nay, 60% nguồn nguyên liệu sản xuất của của công ty đang phải nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu lại tăng mạnh từ 30-50%. Cộng với chi phí logistics cũng tăng từ 5-7 lần so với trước đây và giá xăng dầu không ngừng tăng cao đang khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để vẫn duy trì sản xuất mà không tăng giá thành sản phẩm bán ra.
Giống như Nghi Sơn và May Sài Gòn 3, giá nguyên liệu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp, gây đội các chi phí trong hoạt động sản xuất, giảm mức độ cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, giá xăng dầu gần đây liên tục được điều chỉnh tăng theo đà tăng của thế giới đã khiến hàng loạt doanh nghiệp lo ngại việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm. Chưa kể, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào cho rất nhiều sản phẩm. Do đó không thể tránh khỏi việc phải điều chỉnh giá sản phẩm để phù hợp với chi phí sản xuất. Điều này có thể khiến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm đi.
Chủ động điều tiết chi phí
Trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp lo ngại nếu không điều chỉnh tăng giá sản phẩm sẽ khó gồng gánh được các khoản phí đội lên. Tuy nhiên, trường hợp tăng giá sẽ dẫn tới sản phẩm mất cạnh tranh hoặc mất khách hàng. Để ứng phó, nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp sản xuất đưa ra như thương lượng với khách hàng để điều chỉnh giá vừa phải, chấp nhận giảm một phần lợi nhuận… đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết giảm và kiểm soát các chi phí. Riêng với những đơn hàng đã ký, nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu cân đối chi phí để làm sao tiết giảm tối đa chi phí mà không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice (một doanh nghiệp ngành xuất khẩu gạo) chia sẻ, doanh nghiệp đã phải chuyển sang hình thức giao hàng tập trung, số lượng lớn, thay vì đi lẻ tẻ vài container như trước đây nhằm giảm bớt chi phí tàu biển. Đối với vận chuyển trong nước, thay vì đi đường bộ thì doanh nghiệp chọn đường thủy để có giá cả tốt hơn.
Thay vì thực hiện đơn hàng dài hạn, nhiều doanh nghiệp khác đã chuyển qua làm các đơn hàng trong ngắn hạn, chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ nhiều đối tác khác nhau để có giá tốt hơn. Cùng với đó, những nguồn nguyên liệu có thời hạn bảo quản lâu doanh nghiệp sẽ ưu tiên mua và đưa về kho lưu trữ, còn nguồn nguyên liệu đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản cao thì có thể phải ký hợp đồng mua trước với nhà cung ứng.
Nỗ lực là vậy, nhưng theo chia sẻ của các doanh nghiệp, đây chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi xu hướng tăng giá nhiên liệu trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, vẫn cần các giải pháp dài hơi với sự hỗ trợ lớn hơn của chính phủ trong việc giảm thuế, phí.
Các chuyên gia phân tích, giá xăng tăng cao chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến doanh nghiệp hiện nay. Do đó, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh, khi các công cụ bình ổn giá khác như Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để “hạ nhiệt” giá xăng. Việc giảm thuế, phí này có thể chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn để không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu ngân sách của nhà nước, song vẫn bảo đảm mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cho rằng: “Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Nhà nước cần có sự điều chỉnh giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất, vừa nâng cao sức cạnh tranh, vừa chia sẻ gánh nặng khó khăn với nhà nước”.
Ý kiến ()