Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Lạng Sơn: Hành trình 10 năm hoạt động và hiệu quả
LSO-Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2003 theo Quyết định số 37/QĐ-HĐQT ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH về việc thành lập chi nhánh NHCSXH tỉnh.
LSO-Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2003 theo Quyết định số 37/QĐ-HĐQT ngày 14/1/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH về việc thành lập chi nhánh NHCSXH tỉnh. Với phương châm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà vì thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong 10 năm qua, chi nhánh đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các chương trình tín dụng vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Người dân đến giao dịch với Ngân hàng CSXH tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Nỗ lực đưa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến người dân
Chính sách tín dụng vốn ưu đãi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên phát triển, sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện mục tiêu đó, trong 10 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã luôn tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, bám sát các văn bản chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn được giao, đặc biệt là thường xuyên tham mưu kịp thời cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng… Là một tỉnh miền núi, có tới 189 xã thuộc vùng khó khăn, gồm 7 dân tộc cùng sinh sống, đường giao thông đi lại khó khăn, mức sống của người dân thấp, trình độ nhận thức chưa cao, phát triển kinh tế nhỏ lẻ (thời điểm năm 2003 tự cung tự cấp là chính), nên việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân đã khó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả lại càng khó hơn. Xác định khó khăn như vậy, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chú trọng công tác phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác. Trong suốt quá trình thực hiện truyền tải các chương trình tín dụng ưu đãi tới các đối tượng thụ hưởng, thông qua công tác phối hợp, chi nhánh đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách vay vốn ưu đãi, như tại tổ bình xét công khai, đúng đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay và phối hợp xử lý các trường hợp nợ xấu, niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại các điểm giao dịch… Trong 10 năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp đã chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kết quả kiểm tra giám sát được 142 lượt huyện, 1.620 lượt xã, 4.230 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn; riêng chi nhánh chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các mặt nghiệp vụ được 283 lượt huyện, 3.630 lượt xã, 23.670 lượt tổ. Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, chi nhánh đã phát hiện những sai sót, vướng mắc, chỉ đạo chỉnh sửa, khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn vốn, đưa các hoạt động nghiệp vụ của chi nhánh vào đúng nề nếp, kỉ cương pháp luật. Cùng với đó, chi nhánh quan tâm các mặt công tác nội bộ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ quan an toàn, vững mạnh, củng cố và phát triển mạng lưới giao dịch… Với 1 thành phố và 10 phòng giao dịch cấp huyện, 223 điểm giao dịch tại xã và 2.830 tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, chi nhánh đã ngày càng xã hội hóa hoạt động tín dụng, phục vụ tốt công tác cho vay vốn ưu đãi trên toàn địa bàn.
Hiệu quả kinh tế, xã hội
Với sự vào cuộc, ủng hộ của cả hệ thống chính trị xã hội, thực hiện tốt phương thức xã hội hóa quản lý tín dụng là ủy thác từng phần thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận các thôn bản, khối phố; tổ chức giao dịch lưu động tại xã, cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, chi nhánh tỉnh đã thực hiện tốt tăng trưởng tín dụng hàng năm, đảm bảo an toàn và hiệu quả nguồn vốn cho vay, đến nay tổng nguồn vốn là 1.670 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương 30,4 tỷ đồng, vốn trung ương 1.578 tỷ đồng và vốn huy động được cấp bù lãi suất 60,8 tỷ đồng), tăng 11,36 lần so với năm 2003. Các phòng giao dịch tổ chức giải ngân kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng với 9/18 chương trình tín dụng (năm 2003 chỉ thực hiện 3 chương trình). Doanh số cho vay trong 10 năm là 2.841 tỷ đồng, doanh số thu nợ 1.367 tỷ đồng, với tổng dư nợ hiện đạt 1.637 tỷ đồng, tăng 1.491 tỷ đồng, tương ứng tăng 11,21 lần so với năm 2003. Cụ thể: chương trình cho vay hộ nghèo 730,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,62% tổng dư nợ; dư nợ cho vay giải quyết việc làm 67,1 tỷ đồng; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 204,7 tỷ đồng; xuất khẩu lao động 3.782 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 63,6 tỷ đồng; hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn trên 509 tỷ đồng; thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn 7,9 tỷ đồng; dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cho vay lãi suất 0% là 10,3 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo về nhà ở 39,8 tỷ đồng. Từ sử dụng nguồn vốn vay, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn đã được tạo điều kiện vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Trong 10 năm qua, tỉnh có 19.950 hộ nghèo vay vốn thoát nghèo, trên 89 nghìn lao động được tạo việc làm mới, 26.824 học sinh, sinh viên có điều kiện được đi học, trên 26 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, giúp 5.045 hộ nghèo có nhà ở mới… Có thể khẳng định, nguồn vốn vay đã giúp nhiều vùng quê khởi sắc, điển hình như: xã Tân Liên (Cao Lộc), xã Chi Lăng (Chi Lăng), xã Tràng Phái (Văn Quan)… Bên cạnh hiệu quả kinh tế thấy rõ, các chương trình tín dụng ưu đãi còn góp phần làm chuyển biến nhận thức, tư duy sản xuất của người dân.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Chi nhánh luôn phấn đấu phát triển theo hướng ổn định, bền vững, thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Hiện chi nhánh đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể với dư nợ tăng trưởng bình quân 10% trở lên, nợ quá hạn dưới 1%/tổng dư nợ… Để thực hiện tốt mục tiêu đó, chi nhánh tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là thường xuyên tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời sâu sát với cơ sở, xây dựng kế hoạch tín dụng sát với thực tế và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Qua đó, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, đẩy mạnh việc đưa nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và phục vụ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
LÂM GIANG
Ý kiến ()