Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, Lạng Sơn còn tích cực thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu kinh tế tiềm năng này. Các dự án hiện đã được cấp giấy phép đầu tư phần nhiều là các dự án về thương mại, dịch vụ, tuy nhiên, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên và sẽ có cơ chế ưu đãi đối với những dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện điện tử.
LSO-Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, từ năm 2011 đến hết quý I/2012, Chi Ma đã thu hút được 11 doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đầu tư xây dựng các dự án trong khu vực cửa khẩu với tổng mức vốn đầu tư gần 340 tỷ đồng.
Một góc khu vực cửa khẩu Chi Ma
Quý I/2012, ngay sau khi lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn nói chung và Chi Ma nói riêng, đã có 2 doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư vào Chi Ma. Thực tế, thì Chi Ma đang là điểm đến an toàn và đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các các nhà đầu tư. Cụ thể: các dự án đầu tư được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất từ 1 năm đến 15 năm hoặc không phải nộp tiền thuê đất; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo; ưu đãi về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: tỉnh đảm bảo hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, cấp thoát nước, đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc đến tận hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án nằm trong thành phố, thị trấn. Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ các nhà đầu tư về công tác xúc tiến thương mại, đào tạo lao động, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng… Không chỉ thu hút bằng những cơ chế, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn còn chủ động thiết lập quan hệ, trao đổi thông tin trực tiếp với các nhà đầu tư, giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp. Những nỗ lực ấy đã được minh chứng bằng kết quả thu hút đầu tư đáng ghi nhận. Chỉ hơn 1 năm đã có 11 doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, đầu tư xây dựng các dự án trong khu vực cửa khẩu với tổng mức vốn đầu tư gần 340 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến các dự án lớn đã và đang được triển khai là: kho bãi xếp dỡ hàng hóa; văn phòng giao dịch, trưng bày giới thiệu sản phẩm; công trình dịch vụ thương mại; chợ cửa khẩu… Ngoài ra còn có 2 dự án lớn đang thực hiện các thủ tục về địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng là: bến xe ô tô hàng hóa XNK; kho lưu giữ chế biến hàng hóa, cửa hàng kinh doanh thương mại. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án này vào khoảng 55 tỷ đồng. Ông Trần Tiến Minh, Phó Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Cửa khẩu Chi Ma nằm trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện khu vực cửa khẩu Chi Ma đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc và đang thực hiện các thủ tục để chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc). Vì thế, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma ngày một nhiều hơn và đây là một tín hiệu mừng đối với Lạng Sơn trong công tác thu hút đầu tư.
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, Lạng Sơn còn tích cực thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu kinh tế tiềm năng này. Các dự án hiện đã được cấp giấy phép đầu tư phần nhiều là các dự án về thương mại, dịch vụ, tuy nhiên, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên và sẽ có cơ chế ưu đãi đối với những dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện điện tử.
Lượng hàng hóa XNK qua Chi Ma tăng mạnh
Sau khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma đã và đang được xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến khu dân sinh. Nếu như ở những giai đoạn trước thu hút đầu tư chúng ta quan tâm nhiều đến số lượng, thì nay với tầm nhìn chiến lược, tỉnh đã triển khai thực hiện quy hoạch phát triển, thu hút các dự án đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu theo phương châm “chất lượng và hiệu quả” nhằm phát triển đồng bộ, hiệu quả giữa đầu tư, xây dựng và các quy hoạch các lĩnh vực khác. Do vậy đã bớt đi các dự án treo, một số dự án chậm khởi công, hoạt động không hiệu quả bị rút giấy phép đầu tư, tạo sự trong sáng, minh bạch trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Trí Dũng
Ý kiến ()