Chi Lăng: Vốn ưu đãi tiếp sức người dân thoát nghèo
(LSO) – Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân ở Chi Lăng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên là hộ nghèo. Nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, gia đình anh đã thoát nghèo và hiện tại đã trở thành hộ khá giả. Anh Chiến cho biết: “Nhiều năm trước, gia đình tôi rất khó khăn vì thiếu vốn phát triển kinh tế. Năm 2015, được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH với lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo, tôi đã đầu tư chăn nuôi ngựa và dê. Nhờ được xã định hướng và được Hội Nông dân hướng dẫn sử dụng vốn nên mô hình chăn nuôi phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi gần 100 triệu đồng/năm. Năm ngoái, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện, hiện tôi đang sử dụng vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế”.
Cán bộ NHCSXH huyện Chi Lăng giải ngân vốn cho hộ vay tại xã Hữu Kiên
Cũng như gia đình anh Chiến, vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện những năm qua đã tiếp sức cho nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã Hữu Kiên vươn lên. Ông Nông Văn Nối, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hữu Kiên là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện, do vậy, nhu cầu sử dụng vốn ưu đãi của người dân để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rất cao. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại xã đạt trên 22 tỷ đồng, người dân sử dụng vốn chủ yếu để chăn nuôi ngựa bạch và trồng rừng… Những năm qua, nguồn vốn này đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của xã, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 35,6%, giảm 18,8% so với năm 2016.
Theo thông tin từ NHCSXH huyện Chi Lăng, những năm qua, hàng nghìn lượt gia đình trong huyện đã được vay vốn chính sách ưu đãi để phát triển sản xuất. Hiện nay, tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại huyện đạt trên 281,9 tỷ đồng, tăng 11,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019, đạt 99,1% kế hoạch giao, với 6.248 hộ còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn tập trung ở một số chương trình như: hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 71,1 tỷ đồng; hộ nghèo 62,3 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 45,5 tỷ đồng… Một số xã, thị trấn có dư nợ lớn gồm: thị trấn Đồng Mỏ 26 tỷ đồng, Y Tịch 25,2 tỷ đồng, Quan Sơn 22 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết: Để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đơn vị chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét, công khai theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm để giải ngân nhanh chóng, kịp thời đưa vốn vào sản xuất. Cụ thể, năm 2020, đơn vị được giao tăng trưởng dư nợ là 284,2 tỷ đồng (tăng 13,8 tỷ đồng so với 31/12/2019), dự kiến đến ngày 30/6/2020 sẽ hoàn thành kế hoạch được giao.
Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay ưu đãi trong những năm qua thật sự là “đòn bẩy” giúp người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng có điều kiện phát triển sản xuất… Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh số cho vay của NHCSXH huyện là 38,8 tỷ đồng, người dân đã vay vốn trồng rừng với số tiền trên 10 tỷ đồng, trồng được 1.388 ha rừng và 173 ha cây ăn quả với số tiền trên 8,6 tỷ đồng; chăn nuôi gia súc với số vốn là 5,2 tỷ đồng… Cùng các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 9,77%, giảm 13,89% so với năm 2016, bình quân mỗi năm giảm 3,47%, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Ý kiến ()