Chi Lăng vào vụ na
LSO-Vụ na năm 2013, sau hai năm thương hiệu quả na Chi Lăng được bảo hộ độc quyền, na Chi Lăng trở thành quả đặc sản Việt Nam. Người dân như vui hơn bởi đã nhiều thị trường biết đến na Chi Lăng. Năm nay lại một năm người trồng na vui nữa bởi na Chi Lăng được giá.
Na được đóng hộp vận chuyển đi xa tiêu thụ |
Chúng tôi có mặt tại chợ na Đồng Bành khi mặt trời lên được một cây sào. Cả chợ na sôi động như chợ tết bởi kẻ bán, người mua, người gánh, người thồ na tấp nập về chợ. Trong niềm hứng khởi, anh Vũ Văn Dũng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết, na năm nay mặc dù sản lượng giảm nhưng giá tăng đột biến. Rồi anh chỉ vào những sọt na ngồn ngộn so sánh, quả to như thế này năm ngoái khoảng 25 ngàn 1 kg, nhưng năm nay lên tới 35 ngàn 1 kg nên người dân vui lắm. Chợ na Đồng Bành là chợ đầu mối của na Lạng Sơn, người dân trồng na ở khu vực Chi Lăng, Hữu Lũng đổ về bán na có ngày lên tới cả ngàn lượt. Ngay sau khi có thương hiệu độc quyền, một số vườn na đã được chặt tỉa, sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP nên đã cho chất lượng quả, mẫu mã rất đẹp. Cũng vì vậy mà tư thương từ các vùng miền đổ về mua na ngày một đông.
Ở chợ na, để ý một chút có thể nghe được giọng tư thương vùng Hà Tây cũ, Nam Định, Hải Phòng và cả Nghệ An, Hà Tĩnh. Chị Hà Thị Tập, buôn bán hoa quả ở chợ Vinh (Nghệ An) vừa chọn na vừa nói: “Tôi đã 4 năm liền mua na ở đây về bán, năm nay giá na cao nhưng là giá chung. Hơn thế na Đồng Bành rất dễ bán vì quả thơm, ngọt sắc chứ không nhạt như na các vùng khác”. Cũng theo những người đến mua na, hiện rất nhiều vùng trồng na trong cả nước, thậm chí họ dùng phương pháp cấy ghép, thụ phấn cho ra quả na rất to. Thế nhưng không có vị thơm, ngọt như na Chi Lăng, và theo họ đây là điều trời cho dân Chi Lăng. Hiện toàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có trên 1.800 ha na với sản lượng trung bình 250 ngàn tấn mỗi năm, như vậy riêng từ na đã cho người dân thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Theo anh Vy Nông Trường, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Chi Lăng, ngay sau khi được công nhận nhãn hiệu, huyện đã tích cực bảo vệ thương hiệu, hướng dẫn nhân dân canh tác an toàn, mở các cuộc thi quả na. Vì vậy na Chi Lăng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Năm nay do thời tiết không thuận, một số hộ dân cải tạo vườn na nên sản lượng có giảm. Tuy nhiên do giá tăng nên thu nhập của người dân vẫn không thay đổi. Hiện nay tại chợ na, na chọn có mã đẹp giá lên tới 30 đến 40 ngàn đồng 1kg, trung bình 25 đến 28 ngàn 1kg. Ông Hoàng Văn Chắt, nông dân thôn Đá Mài, Chi Lăng tâm sự, với mức giá như hiện nay thì gia đình bù được chi phí, có lãi. Hiện tại Chi Lăng rất nhiều các tư thương đến mua khoán cả vườn, họ tự thu hái, tự tiêu thụ. Ngoài ra còn có nhiều điểm đóng na tập trung theo đơn đặt hàng.
Để đảm bảo an toàn cho na, kéo dài tuổi thọ, các nhà khoa học đã chủ động đến với vùng na. Theo chúng tôi được biết thì tiến sĩ Phạm Xuân Khải, Viện Rau quả Trung ương đã nghiên cứu thành công đề tài sử dụng ô zôn để bảo quản na với giá thành cực thấp. Đây là một tin vui đến với vùng na khi mà nơi đây đã hội tụ đủ các yếu tố nhà nước, nhà khoa học, thương nhân đến với nhà nông. Tuy nhiên theo chủ tịch UBND huyện Vy Văn Thuận, cần hơn nữa “nhà tuyên truyền” đến với vùng na vì sau khi được bảo hộ, công tác tuyên truyền về na còn hạn chế, nhất là việc xuất khẩu na ra nước ngoài chưa được như mong đợi, trong khi tiềm năng của vùng na thì đang rất dồi dào.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()