Chi Lăng: Thành công từ xã hội hóa nguồn lực xây dựng cầu dân sinh
– Huyện Chi Lăng là địa bàn có hệ thống sông suối khá dày và phức tạp, chia cắt các tuyến giao thông. Để củng cố hạ tầng giao thông, huyện đã thực hiện có hiệu quả công tác huy động nguồn lực xã hội hoá để cứng hoá cầu dân sinh, nối liền “huyết mạch” phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Để triển khai xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn, UBND huyện Chi Lăng đã xây dựng đề án cứng hoá cầu dân sinh theo hướng xã hội hoá giai đoạn 2021-2025, theo đó, huyện phấn đấu đến hết năm 2025 xây dựng mới 24 cầu, ngầm dân sinh bằng bê tông cốt thép; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện ủng hộ nguồn lực để thực hiện cứng hoá các cầu, ngầm theo đề án. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND huyện bố trí nguồn vốn để hỗ trợ xi măng, sắt thép cho các thôn thực hiện cứng hoá cầu dân sinh.
Người dân xóm Nà Cai, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn thi công cầu dân sinh
Một ngày giữa tháng 3/2023, chúng tôi khảo sát thực tế tại công trình xây dựng cầu Nà Cai thuộc thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng mới được khởi công xây dựng ngày 13/3/2023. Tại khu vực xây dựng công trình, gần 20 lao động là người dân địa phương đang tất bật thực hiện các công việc.
Đây là công trình được đầu tư xây dựng theo đề án xây dựng cầu, ngầm dân sinh huyện Chi Lăng giai đoạn 2021-2025. Theo thiết kế, cầu có quy mô 4 trụ bê tông, mặt cầu dài 18 m, rộng 3,5 m, đường dẫn hai bên vào cầu 70 m, công trình có tổng mức đầu tư khoảng 400,5 triệu đồng từ nguồn huy động xã hội hoá, nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 183 triệu đồng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lạng Sơn ủng hộ 100 triệu đồng và Nhân dân đóng góp 117,5 triệu đồng. Dự kiến công trình hoàn thành đưa vào khai thác đầu tháng 5/2023.
Ông Nông Văn Hữu, trú tại xóm Nà Cai, thôn Mu Cai Pha phấn khởi chia sẻ: Khi xã tổ chức họp và thông báo kế hoạch triển khai công trình, bà con đồng tình ủng hộ ngay và họp bàn sôi nổi về phương án xây dựng, kế hoạch đóng góp từ Nhân dân. Theo đó, 18 hộ dân xóm Nà Cai trực tiếp hưởng lợi từ công trình đồng thuận mỗi hộ góp 5 triệu đồng và toàn bộ nhân công trong quá triển khai.
Được biết, từ năm 2021 đến nay, người dân xã Quan Sơn đã xây dựng được 3 công trình cầu dân sinh với tổng mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân và các tổ chức đóng góp 758 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn do nhà nước hỗ trợ.
Ngoài xã Quan Sơn, còn nhiều xã khác cũng được đầu tư xây dựng các công trình cầu dân sinh theo đề án xây dựng cầu, ngầm dân sinh của huyện giai đoạn 2021-2025 như: xã Bắc Thuỷ, Gia Lộc, Chiến Thắng, Vân Thuỷ, xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ và xã Mai Sao.
Chị Nguyễn Ngọc Ngà, Bí thư Huyện đoàn Chi Lăng cho biết: Thực hiện đề án xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn huyện, Huyện đoàn Chi Lăng đã tích cực kêu gọi các cơ quan, đơn vị có quan hệ với Huyện đoàn để huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng các công trình cầu, ngầm dân sinh trên địa bàn có hiệu quả. Cụ thể: năm 2021 và 2022, thông qua kết nối, Huyện đoàn đã vận động được 160 triệu đồng hỗ trợ xây dựng cầu dân sinh tại xã Vân An, xã Bắc Thuỷ và thị trấn Chi Lăng. Trong năm 2023, Huyện đoàn đã kết nối, huy động được 86 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 2 cầu dân sinh tại xã Mai Sao và xã Bắc Thuỷ và đang chuẩn bị triển khai hỗ trợ tiếp 2 cầu tại xã Quan Sơn và Liên Sơn với tổng số tiền các đơn vị cam kết hỗ trợ là 130 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Chi Lăng, từ năm 2021 đến giữa tháng 3/2023, bằng việc huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện xây dựng các công trình cầu, ngầm dân sinh, toàn huyện Chi Lăng đã cứng hoá được 14/24 công trình cầu, ngầm dân sinh với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động xã hội hoá từ Nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức ủng hộ được 1,6 tỷ đồng; nguồn còn lại là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Ông Vi Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Từ tháng 4/2023, huyện tiếp tục khảo sát, thực hiện thiết kế để triển khai xây dựng tiếp 4 công trình cầu, ngầm dân sinh tại các xã Thượng Cường, Bằng Hữu và Liên Sơn, phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành đưa vào sử dụng 4 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, trong đó nguồn lực nhà nước chiếm 40%, còn lại là Nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hoá.
Với phương pháp huy động các nguồn lực xã hội hoá có hiệu quả, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Chi Lăng đang ngày càng được củng cố, qua đó, góp phần tăng cường năng lực giao thông khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ý kiến ()