Chi Lăng tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại quả na
– Còn khoảng 1 tháng nữa là đến thời điểm na cho thu hoạch quả, đây là thời điểm ruồi vàng đục quả phát triển mạnh nhất. Khi bị ruồi vàng đục quả sẽ xấu mã, bị thối và khô héo dẫn đến năng suất, chất lượng thấp. Tốc độ sinh sản của loại ruồi này rất nhanh nên có thể gây hại trên diện tích lớn. Để phòng trừ loại côn trùng gây hại này, huyện Chi Lăng đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ.
Nông dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng sử dụng miếng dán chứa chất dẫn dụ để thu hút ruồi đục quả na
Thời điểm này, hầu như ngày nào ông Linh Văn Nhân, khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cũng có mặt tại vườn na hơn 700 cây của gia đình để theo dõi quá trình phát triển của quả na, cắt tỉa cành lá nhằm tạo không gian thông thoáng, nhiều ánh sáng cho quả phát triển và hạn chế sâu bệnh hại quả. Ông cho biết, ruồi vàng đục quả sinh sản rất nhanh, sau khi đục quả, đẻ trứng thì một tuần sau trứng sẽ nở ra ấu trùng ăn phần thịt quả bên trong ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng quả, chính vì vậy, gia đình tôi phải thường xuyên có mặt tại vườn, treo các miếng dán có tẩm chất dẫn dụ lên cây để bẫy ruồi vàng đục quả, hạn chế chúng phát sinh và gây hại.
Không riêng gia đình ông Nhân, hơn 3.500 hộ trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng cũng đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ ruồi vàng đục quả. Có nhiều biện pháp phòng trừ ruồi đục quả như: sử dụng thuốc hóa học, chế phẩm sinh học, thuốc dẫn dụ bẫy bả, bao bọc quả. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung sử dụng các biện pháp sinh học để phòng, trừ ruồi đục quả.
Toàn huyện Chi Lăng có trên 2.300 ha na, năng suất đạt 10,6 tấn/ha, sản lượng đạt trên 20.000 tấn, giá trị mang lại hơn 700 tỷ đồng. Na Chi Lăng được trồng tập trung ở 8 xã, thị trấn gồm: thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, các xã Chi Lăng, Mai Sao, Y Tịch, Hòa Bình, Thượng Cường, Vạn Linh. Để nâng cao năng suất, chất lượng quả na, giữ vững thương hiệu quả na Chi Lăng trên thị trường, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã phát động sản xuất na, các sản phẩm chủ lực theo hướng nông nghiệp tốt và giao các cơ quan chuyên môn theo dõi sát sao tình hình gây hại của ruồi đục quả. UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ.
Được biết trước đó, trong năm 2022, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ trên 1.500 hộp thuốc Vizubon – D dẫn dụ ruồi đục quả cho hơn 500 hộ dân với trên 300 ha na canh tác theo hướng nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. Cùng đó, UBND xã Y Tịch cũng tiến hành hỗ trợ túi bọc na cho các hộ gia đình để phòng trừ bệnh hại quả na. Kết quả cho thấy, quả na khi thu hoạch tròn đều, quả đồng đều, ít bị thối, hỏng, không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán ổn định, được người tiêu dùng đón nhận… |
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã tổ chức hơn 80 lớp tập huấn cho khoảng 4.000 nông dân về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại na cũng như hướng dẫn bẫy bả đồng bộ ruồi vàng đục quả tại vùng trồng na trên địa bàn huyện.
Ông Lương Thành Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Với vai trò là cơ quan chuyên môn chúng tôi đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp phòng trừ ruồi đục quả theo hướng an toàn như: sử dụng thuốc Vizubon – D (chất dẫn dụ) kết hợp với thuốc diệt ruồi treo trong vườn; dùng chế phẩm sinh học Ento – Pro để tiêu diệt cả ruồi đực và ruồi cái; bao bọc quả. Những cách làm này không phun thuốc trực tiếp lên cây, không tác động vào quả, do đó người trồng không mất nhiều công phun xịt thuốc, không gây ô nhiễm môi trường, nhất là không lưu dư lượng thuốc trên quả na, an toàn cho người tiêu dùng.
Năm nay, UBND huyện Chi Lăng có chủ trương hỗ trợ người trồng na trên địa bàn toàn huyện về thuốc, vật tư phòng trừ ruồi vàng đục quả. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng cây của từng hộ gia đình. Qua thống kê, rà soát, nông dân trên địa bàn huyện đã đăng ký hỗ trợ thuốc bẫy ruồi vàng đục quả trên diện tích hơn 1.500 ha cho na chính vụ và trên 3 tỷ túi bao bọc quả cho na trái vụ. UBND huyện đã bố trí ngân sách hơn 700 triệu đồng mua thuốc bẫy ruồi đục quả và bao bọc quả hỗ trợ nông dân (dự kiến trong tháng 7/2023). Cùng với đó, nông dân trên địa bàn cũng chủ động đối ứng hơn 1,7 tỷ đồng để triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm không ngừng nâng năng suất, chất lượng quả na, từ đó nâng cao giá trị, uy tín của na Chi Lăng trên thị trường.
Ý kiến ()