Chi Lăng: Tập trung phát triển công nghiệp nông thôn
(LSO) – Trong những năm gần đây, huyện Chi Lăng đã chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tăng nguồn thu và tạo việc làm cho người lao động. Từ năm 2016 đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đều tăng cao.
Trên địa bàn huyện Chi Lăng có khoảng 350 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn, tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động. Các cơ sở chủ yếu là hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông lâm sản như: đá các loại, gạch, xi măng, chế biến tinh dầu hồi, điện thương phẩm… Trong những năm gần đây, tổng giá trị sản phẩm sản xuất trên địa bàn liên tục tăng, riêng năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt hơn 1.335 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017 và ước 2 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 230 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, phòng đã tham mưu cho UBND huyện quan tâm đầu tư phát triển đồng đều các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp đăng ký thành lập; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng quỹ đất, tiếp cận nguồn vốn để đầu tư xây dựng mô hình sản xuất. Qua đó, nhiều cơ sở đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Sản xuất đá tại mỏ đá Đồng Mỏ
Tiêu biểu như Công ty TNHH Đá Thượng Thành, đóng trên địa bàn xã Mai Sao, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Trong những năm qua, đơn vị đã tích cực đổi mới phương thức sản xuất, chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, từ năm 2017 khi dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tái khởi động, công ty đã ổn định đầu ra, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2018, bình quân mỗi tháng, công ty tiêu thụ 20.000 m3 đá và 15.000 viên gạch không nung.
Cùng với đó, huyện Chi Lăng đã khuyến khích các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp, riêng năm 2018, huyện có hơn 50 sơ sở sản xuất vật liệu xây dựng quy mô hộ gia đình rải rác tại khắp các xã trên địa bàn. Đồng thời, UBND huyện tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cũng như các doanh nghiệp tập trung khai thác lợi thế chế biến nông sản, đặc biệt là hoa hồi. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 30 cơ sở chế biến tinh dầu hồi xuất khẩu với quy mô hộ gia đình và 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn chuyên thu mua và xuất khẩu hoa hồi khô, tinh dầu hồi qua thị trường nhiều nước trên thế giới.
Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm gần đây, huyện tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ đạo có lợi thế cạnh tranh và dễ đầu tư trên địa bàn. Trước hết chú ý đến các sản phẩm có thị trường ổn định, thu hút nhiều lao động như: chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí. Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Huyện phấn đấu năm 2019 sẽ đạt tổng giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 1.600 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 16%/năm.
ANH DŨNG
Ý kiến ()