Chi Lăng: Tăng hiệu quả sản xuất từ liên kết hợp tác xã - nhà nông
– Thời gian qua, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tích cực hình thành các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó, đem lại hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, các hộ dân tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã trồng các loại cây ăn quả nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chủ yếu là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ còn yếu. Từ thực tế đó, năm 2017, HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ thành lập với 27 hộ thành viên HTX, liên kết với và 148 hội viên sản xuất na, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 70 ha na.
Giám đốc HTX chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch (bên phải) giới thiệu mô hình chăn nuôi thỏ của HTX
Ông Nguyễn Trí Tuấn, Phụ trách điều hành HTX cho biết: Sau khi thành lập HTX, các thành viên đã tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, mẫu mã quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Riêng vụ na năm 2021, HTX thu được trên 200 tấn quả, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng (tăng 30% so với năm 2018), thu nhập của hộ thành viên cũng đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Tương tự, năm 2020, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc, xã Bằng Mạc thành lập để liên kết 8 hộ tham gia sản xuất thuốc lá cung ứng sản phẩm cho Công ty Cổ phần Ngân Sơn. Ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, nếu chỉ sản xuất đơn lẻ hộ gia đình, sản lượng ít, công ty khó thu mua, chủ yếu là bán cho tư thương nên không ổn định. Nhờ liên kết sản xuất, hiện nay, chúng tôi đã đáp ứng đủ số lượng sản phẩm và không lo thiếu đầu ra nữa mà còn mở rộng liên kết sản xuất thêm các sản phẩm khác như: khoai tây, lạc…
Trên đây chỉ là 2 HTX điển hình thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang hình thức liên kết tập thể đem lại hiệu quả. Thời gian qua, UBND huyện đã triển khai các giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, tạo điều kiện cho HTX hình thành và liên kết sản xuất để phát triển. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tư vấn, tập huấn, củng cố tổ chức, hoạt động kinh tế tập thể, HTX. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 122 lớp tập huấn cho người dân, thành viên HTX tham gia, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện cũng tổ chức 30 lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, điều hành HTX, trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lập phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất.
Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (nay là Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08) để hỗ trợ người dân và các HTX trên địa bàn có cơ hội phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 4 mô hình điểm HTX sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ 10 HTX thành lập mới (mỗi HTX được hỗ trợ 20 triệu đồng) để xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 7 HTX đưa trí thức trẻ về làm việc có thời hạn nhằm nâng cao năng lực hoạt động trong HTX.
Nhờ đó, toàn huyện hiện có 35 HTX nông nghiệp, các HTX này đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất HTX – nhà nông. Ngoài ra, có HTX đã liên kết sản xuất hàng hoá gắn với tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng đem lại hiệu quả cao như: HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ thương phẩm với công ty của Nhật Bản; HTX Nông sản huyện Chi Lăng liên kết sản xuất tiêu thụ na, ớt cho người dân; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bằng Mạc liên kết với Công ty Đại Nguyễn, Công ty Cổ phần Ngân Sơn sản xuất, tiêu thụ khoai lang, khoai tây, thuốc lá… Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của các HTX đạt trên 14,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng.
Ông Linh Đức Tiến, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, một số HTX trên địa bàn đã chủ động phát huy lợi thế, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết giữa các đơn vị để sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động, là tiền đề để hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Thời gian tới, các phòng chuyên môn huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, phát triển kinh tế tập thể, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Ý kiến ()