Chi Lăng: Sâu gai làm rầu lòng dân
LSO - Trong những ngày đầu tháng 5 này, sâu gai hại ngô đang lan trên diện rộng ở huyện Chi Lăng. Đặc biệt các xã phía Bắc mật độ sâu khá lớn và đang tàn phá những cây ngô đang sắp vào giai đoạn trỗ cờ. Nếu không có biện pháp phòng chống hữu hiệu chắc chắn năng suất ngô trên địa bàn toàn huyện sẽ giảm.
Nông dân Chi Lăng bắt sâu gai
Vừa phun thuốc trừ sâu cho đám ngô của nhà đang rũ lá vì sâu gai đục thân, chị Hoàng Thị Tươi, thôn Nà Pất xã Vân Thủy vừa phân trần: “Tiếc của thì cứ phun thôi chú ạ, chứ sâu nằm trong kẽ lá thế này không biết phun có chết không”? Nhà chị trồng 5 túi ngô khoảng 7 sào thì cả 7 sào đều bị sâu gai phá hoại. Tại xã Vân Thủy năm nay người dân trồng được gần 50 ha ngô thì đến trên 30 ha bị nhiễm sâu gai, mật độ sâu gai cục bộ có nơi lên đến 20 đến 50 con/1m2. Cá biệt có diện tích lên đến trên 100 con/1m2, đây là mật độ sâu khá lớn nên từng đám ruộng ngô cứ héo rũ vì sâu và người dân cũng đang rầu lòng như những đám ngô ấy bởi cây ngô lai đang mang lại lợi thế trên đất Vân Thủy. Những năm gần đây diện tích ngô luôn vượt, từ ngô nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo.
Không khác mấy ở Vân Thủy, tại làng Vặc thuộc thị trấn Chi Lăng huyện Chi Lăng, ông Lộc Văn Cù cũng đang sốt ruột vì ruộng ngô nhà mình đang bị sâu gai tấn công, suốt mấy ngày nay ông cứ chạy đôn chạy đáo ai mách thuốc gì thì phun thuốc ấy, bảo làm gì để trừ sâu ông đều áp dụng, thế nhưng những biện pháp dân gian, truyền miệng không mấy hiệu quả. Và cánh đồng ngô của nhà cứ ngày càng héo đi như bị lửa táp làm ông đứng ngồi chẳng yên. Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng năm nay toàn huyện trồng được 2.270 ha ngô, tăng 0,89% so với kế hoạch. Với huyện, cây ngô đã trở thành một cây mũi nhọn, người dân tận dụng được tất cả bãi bờ, ruộng, ta luy để trồng ngô. Từ cây ngô đã khiến cho đời sống nhiều nông dân khởi sắc. Chính thế mà họ quan tâm đến cây ngô không kém gì cây lúa. Ngô bị sâu gai phá hoại làm người trồng ngô toàn huyện đứng ngồi không yên.
Trao đổi với chúng tôi anh Phan Văn Sáu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết, diễn biến mới nhất của sâu bệnh năm nay là lan trên diện rộng. Có thể nói tất cả các xã đều nhiễm sâu rầy tuy mức độ nhiễm khác nhau. Trạm đã ra thông báo khẩn, báo cáo huyện để có sự chỉ đạo thống nhất. Hiện nay nhân dân đang tích cực các biện pháp trừ sâu nhưng hiệu quả mang lại chưa cao bởi thiếu sự đồng bộ, tích cực từ chính các hộ dân. Quay trở lại xã Vân Thủy, chúng tôi thấy quả là việc tập trung chống sâu gai còn rất hạn chế, cánh đồng các thôn Bản Thí, Nà Pất rộng là thế mà chỉ có vỏn vẹn vài hộ phun trừ. Theo anh Hoàng Văn Xỉ, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, hiện toàn xã có 504 hộ, có tầm trên 400 hộ trồng ngô nhưng chắc chỉ có vài chục hộ phun trừ vì thế hiệu quả mang lại không cao.
Anh Hoàng Văn Xỉ cho biết thêm ngay khi có thông báo của khuyến nông, bảo vệ thực vật xã đã chỉ đạo các thôn vận động nhân dân phòng chống sâu gai hại ngô. Theo cách thông thường thì là bắt, tỉa những lá bị sâu đóng kén để không cho lây lan. Một số hộ có điều kiện thì phụ thuốc nhưng mắc nhất ở đây là phun không đồng bộ khiến hiệu quả diệt không cao. Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện khi kiểm tra 50 ha thì có tới 20 ha nhiễm sâu gai ở mức độ nhẹ. Hiện nay Trạm chỉ có 3 người thì khó lòng mà kiểm tra, hướng dẫn được hết vì vậy biện pháp hiện nay vẫn là trình diễn điểm, tích cực sự chỉ đạo từ chính quyền.
Cùng chị Hoàng Thị Tươi phun thuốc cho ngô chúng tôi thấy để phun được một đám ruộng không hề đơn giản. Diện tích ngô thì lớn, đa phần tận dụng bờ bãi, vị trí phun hết sức khó khăn vì thế nhiều người dân bỏ không phun thuốc, không bắt sâu làm sâu gai càng có điều kiện nảy nở phá hoại. Theo anh Phan Văn Sáu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện, khi để sâu phá hoại trên diện rộng thì tiêu diệt hết sức khó khăn, cũng là việc ấy nếu người dân phát hiện sớm, thăm đồng sớm, làm theo hướng dẫn thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Còn hiện nay chỉ có thể bắt, hoặc phun thuốc nội hấp Basa 50EC, Reasgant…Thời điểm phun tốt nhất khi sâu gai đang giai đoạn nhộng, hiệu quả nhất là phun vào chiều tối, hoặc sáng sớm. Đồng bộ và khoa học hơn là điều chỉnh khung thời vụ. Những biện pháp này chỉ hiệu quả khi có sự đồng bộ từ phía người dân. Còn hiện nay với mức độ phá hoại của sâu gai chắc chắn năng suất ngô sẽ giảm. Con sâu một vụ nữa lại làm rầu lòng dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()