Chi Lăng sản xuất CN, TTCN: Còn nhiều khó khăn
LSO-Ngoài Nhà máy xi măng Đồng Bành đã có dấu hiệu phục hồi, còn lại đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn huyện Chi Lăng đều đang gặp khó khăn.
LSO-Ngoài Nhà máy xi măng Đồng Bành đã có dấu hiệu phục hồi, còn lại đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn huyện Chi Lăng đều đang gặp khó khăn.
Dây chuyền sản xuất đá của Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ (Chi Lăng) |
Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ là một trong những doanh nghiệp khai thác và chế biến đá lâu năm nhất ở Chi Lăng. Vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, theo thời gian công ty dần khẳng định được vị trí và thương hiệu sản phẩm đá của mình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, cùng với những diễn biến bất lợi của nền kinh tế, công ty cũng đã bắt đầu gặp phải nhiều khó khăn, trong đó sản phẩm tiêu thụ chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Phượng, Giám đốc công ty cho biết: thị trường tiêu thụ đá của công ty những năm gần đây đang dần bị thu hẹp. Không tiêu thụ được sản phẩm, máy móc cũng “rảnh rỗi” theo. Trước đây công ty có 5 tổ hợp máy nghiền hoạt động hết công suất thì khoảng 2 năm trở lại đây, chỉ còn 2 máy thường xuyên hoạt động. Năm 2012, công ty đã phải thực hiện cắt giảm 12 lao động. Những năm trước đây, sản xuất được đến đâu là tiêu thụ gần như gọn đến đấy. Thế nhưng, trong 7 tháng đầu năm 2013, sản lượng đá công ty khai thác được là 80.000m3 thì lượng đá còn tồn chưa tiêu thụ được lên đến 30.000m3. Cứ với tốc độ tiêu thụ chậm như vậy, công ty sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong thời gian tới.
Không riêng Công ty Cổ phần đá Đồng Mỏ mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo số liệu của các ngành chức năng, toàn huyện hiện có 269 cơ sở sản xuất CN, TTCN, trong đó có đến 265 cơ sở ngoài quốc doanh, mà khó khăn chính lại tập trung ở các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này. Phần lớn các cơ sở sản xuất TTCN đều có quy mô nhỏ. Ngoài 2 công ty khai thác đá vẫn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách cầm chừng còn có hoạt động khai thác quặng. Tuy nhiên, việc khai thác cũng gặp không ít khó khăn do trữ lượng quặng giảm dần, sản phẩm khai thác được tiêu thụ không ổn định cũng như những thay đổi về cơ chế, chính sách khiến cho một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động như doanh nghiệp Phương Liên, doanh nghiệp Tiến Phương… Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng ít, thị trường tiêu thụ bất ổn khiến cho ngành công nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp khai khoáng khá “trầm” thì lĩnh vực TTCN cũng không khởi sắc hơn là mấy. Một số ngành nghề TTCN ở Chi Lăng hiện nay vẫn duy trì như sản xuất cao khô ở xã Vạn Linh, sản xuất gạch bê tông ở thị trấn Đồng Mỏ, đan lồng chim ở xã Chiến Thắng… những cơ sở sản xuất này hoạt động khá đều song chưa mở rộng được quy mô sản xuất, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả đem lại chưa cao. Ngoài ra còn một số ngành nghề TTCN như sửa chữa máy móc, làm mộc quy mô nhỏ chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực CN, TTCN hạn chế, sản lượng làm ra không nhiều nhưng cũng gặp phải khó khăn trong khâu tiêu thụ. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất CN, TTCN trên địa bàn huyện đạt 129.699 triệu đồng, chỉ bằng 93,24% so với cùng kỳ. Ông Vy Văn Dung, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: những hạn chế trong sản xuất CN, TTCN ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế còn phải kể đến điều kiện thực tiễn tại địa phương. Đa phần sản xuất CN trên địa bàn thiếu vốn để đầu tư dây chuyền hiện đại, trình độ kỹ thuật hạn chế khiến cho sản phẩm có sức cạnh tranh ngoài thị trường yếu. Các cơ sở sản xuất TTCN còn manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ… Để lĩnh vực CN, TTCN ở Chi Lăng mang lại hiệu quả cao hơn nữa cần tiếp tục có sự quan tâm, định hướng đúng đắn nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()