Chi Lăng: Phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung
– Với lợi thế về khí hậu, đất đai, huyện Chi Lăng đã chú trọng xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng có đất đai màu mỡ nên có điều kiện thuận lợi trồng cây ăn quả. Những năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đưa các giống cây ăn quả vào trồng, đưa xã Chi Lăng trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của huyện, với nhiều loại cây như: na, cam Canh, bưởi Diễn, ổi…
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Nếu như trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cây ăn quả với diện tích nhỏ lẻ, rải rác trên các sườn núi cao, thì từ năm 2016 đến nay, qua công tác tuyên truyền, vận động bà con đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao.
Người dân thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình
Theo thống kê của UBND xã, trước năm 2015, toàn xã Chi Lăng có 480 ha cây ăn quả các loại, đến hết tháng 5/2022, diện tích cây ăn quả toàn xã đã đạt trên 600 ha. Mỗi năm, từ cây ăn quả, người dân trong xã có thu nhập khoảng 100 tỷ đồng…
Không chỉ ở xã Chi Lăng, hiện nay, cây ăn quả còn được trồng tập trung tại nhiều các xã khác trên địa bàn huyện như: Vạn Linh, Y Tịch, Mai Sao, Hòa Bình, Thượng Cường, Bằng Mạc… Qua đánh giá của các cơ quan chức năng huyện Chi Lăng, nhiều mô hình trồng cây ăn quả tại các khu vực có thổ nhưỡng phù hợp, người dân chú trọng đầu tư thâm canh đem lại doanh thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Nhằm khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả tập trung, hướng tới sản xuất hàng hóa, những năm qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo đúng quy trình, tổ chức và phối hợp cùng các đơn vị như: Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật… tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để họ ứng dụng vào sản xuất; áp dụng các quy trình sản xuất an toàn nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế. Đơn cử như trước đây, cây na trung bình cho thu hoạch 80 – 90 tạ/ha thì hiện nay, đã đạt 104 tạ/ha; cây cam trước chỉ được 18 – 20 tấn/ha thì nay đạt 25-30 tấn/ha hoặc cây bưởi trước cho thu hoạch 20.000 – 22.000 quả/ha thì nay cho thu từ 25.000 – 35.000 quả/ha…
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như: tăng cường chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, thị trấn, bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm trồng mới thêm 500 ha cây ăn quả trên toàn huyện; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, hiệu quả; hỗ trợ người dân về vay vốn, giống, kỹ thuật… Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung như: vùng na ở các xã: Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ… với diện tích ước đạt 2.300 ha, giá trị ước đạt 700 tỷ đồng/năm; vùng cây ăn quả có múi, tập trung tại các xã: Chi Lăng, Mai Sao, Y Tịch, Gia Lộc… với quy mô trên 500 ha, giá trị ước đạt trên 50 tỷ đồng/năm…
Hiện nay, toàn huyện Chi Lăng có hơn 4.000 ha cây ăn quả. Bên cạnh việc khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả, huyện đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tin tưởng rằng, việc xây dựng các vùng trồng cây ăn quả sẽ là một điểm nhấn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương…
Ý kiến ()