Chi Lăng phát triển tiềm năng rừng
LSO-Chi Lăng có trên 43 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 61,3% diện tích, thế nhưng trước đây tiềm năng này chưa được khai thác triệt để.
LSO-Chi Lăng có trên 43 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 61,3% diện tích, thế nhưng trước đây tiềm năng này chưa được khai thác triệt để. Hơn thế do tình trạng thiếu chất đốt, buôn bán lâm sản trái phép đã khiến nạn phá rừng trở nên phổ biến. Năm 1991, độ che phủ của rừng Chi Lăng tụt gần sát đáy. Toàn huyện chỉ còn hơn 10 ngàn ha rừng với độ che phủ 15%, một trong những con số khiêm tốn vào hàng nhất nước về rừng. Cùng vào thời điểm này, Quốc hội đã thông qua Luật Phát triển bảo vệ rừng thay cho Pháp lệnh số 1972 về quản lý bảo vệ rừng. Có thể nói đây là một bước ngoặt trong khai thác phát triển tiềm năng rừng của huyện Chi Lăng. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm lâm nâng cao năng lực tham mưu phát triển rừng. Nhận thức muốn phát triển vốn rừng thì phải dựa vào dân, bắt đầu từ năm 1993, toàn huyện bắt đầu thực hiện công tác quy hoạch rừng, giao đất giao rừng cho dân. Chỉ trong vòng 7 năm, toàn huyện đã giao được 32.549 ha đất lâm nghiệp cho 5.556 hộ gia đình và 215 nhóm hộ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Chi Lăng kiểm tra sinh trưởng gỗ rừng trồng |
Ngay khi được giao đất giao rừng, nhân dân các vùng núi đất và một phần vùng núi đá đã tích cực phát triển rừng sản xuất. Xưa người dân chỉ biết khai thác những sản vật từ rừng thì nay đã biết trồng rừng, khai thác tiềm năng rừng. Cũng chỉ trong vòng 10 năm từ khi giao đất giao rừng, toàn huyện đã phát triển được gần 30 ngàn ha rừng. Các xã Nhân Lý, Bắc Thủy, Vân An, Quang Lang, Quan Sơn…người dân đã biết trồng cây ngắn ngày, chu kỳ khai thác ngắn như keo, bạch đàn, mỡ…Đồng thời huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tính cộng đồng trong nghề rừng được phát huy. Kiểm lâm huyện đã tham mưu ký cam kết cộng đồng trách nhiệm bảo vệ rừng. Tính đến thời điểm hiện nay toàn huyện đã có 212 thôn bản, khối phố, 10.216 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng. Sau thực hiện ký cam kết, trách nhiệm của nhóm cộng đồng và các chủ rừng được nâng lên, vì vậy phong trào trồng rừng ở Chi Lăng đã được vực dậy. Từ 2000 đến 2005, toàn huyện mỗi năm trung bình phát triển được trên 1.000 ha rừng. Rừng đã mang lại thu nhập cho người dân nên càng kích thích nghề rừng phát triển.
Ông Hoàng Văn Xỉ, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy khẳng định, giờ người dân đã biết quý rừng nên đã tích cực trồng rừng. Riêng đối với xã hiện nay diện tích rừng đã được nâng lên gần 50%. Từ rừng nhiều hộ đã có thu nhập và làm giàu. Khi rừng có chủ và được bảo vệ đã kích thích xã hội hóa nghề rừng. Đặc biệt là ở các vùng núi đất diện tích có rừng được nâng lên, thu hẹp diện tích đất trống đồi núi trọc. Theo thống kê đến đầu năm 2013, độ che phủ rừng của huyện đã đạt trên 40%. Để phát triển tiềm năng rừng bền vững, huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng ra quân ngăn chặn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, vì vậy càng củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân trong phát triển rừng.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()