Chi Lăng: Phát triển thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn
(LSO) – Thời gian qua, bên cạnh thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Chi Lăng còn phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn. Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lương Trung Hiếu, thôn Phố Mới, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng chia sẻ: Năm 2010, tôi mở cửa hàng bán đồ kim khí tổng hợp để phục vụ bà con. Từ năm 2013, lượng tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn nên tôi đã mở rộng quy mô cửa hàng, bán thêm các đồ gia dụng như máy lọc nước, téc nước, bình nóng lạnh… Đặc biệt, từ năm 2016, tôi bắt đầu bán buôn cho các cửa hàng, đại lý nhỏ hơn ở xã và các xã lân cận. Tại đây, mặt hàng bán chạy nhất là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… Bên cạnh bán hàng, tôi mở thêm dịch vụ lắp đặt điện nước, tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 4 lao động địa phương với ngày công từ 200 đến 250 nghìn đồng/người/ngày.
Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng phát triển dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu của người dân
Ngoài gia đình ông Hiếu, hiện nay, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang có nhiều gia đình phát triển kinh tế từ kinh doanh thương mại, dịch vụ và có thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện có hơn 3.000 hộ kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ (tăng 930 hộ so với năm 2015). Tìm hiểu được biết, trước đây, thương mại, dịch vụ chủ yếu phát triển ở 2 thị trấn (thị trấn Đồng Mỏ và thị trấn Chi Lăng). Từ năm 2015, giao thông thuận tiện hơn nên thương mại, dịch vụ phát triển ở tất cả các xã trong huyện. Tiêu biểu phải kể đến các xã: Quang Lang, Chi Lăng, Vạn Linh, Gia Lộc, Mai Sao, Nhân Lý, Quan Sơn, Chiến Thắng, Hữu Kiên…
Qua khảo sát tuyến đường vào trung tâm các xã, điểm dễ nhận thấy nhất là hệ thống các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ mở ra ngày một nhiều. Từ cửa hàng tạp hóa, đồ gia dụng, điện tử, gia công cơ khí, vật liệu xây dựng, cửa hàng quần áo cho đến dịch vụ kinh doanh vận tải, nhà hàng, cửa hàng thuốc tân dược; thu mua nông -lâm sản..
Bà Nông Thị Hường, thôn Lạng Giai A, xã Nhân Lý cho biết: Trước đây, muốn mua hàng hóa, tôi phải đi chợ Đồng Mỏ nhưng hiện nay, tại xã đã có hầu hết các mặt hàng gas, đồ điện nước, giống cây trồng…với giá cả hợp lý nên rất thuận tiện trong mua sắm. Nhờ đó, tôi tiết kiệm được thời gian, công sức so với trước.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại, dịch vụ, thời gian qua huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển hệ thống chợ (giai đoạn 2012-2018 huyện đã đầu tư gần 50 tỷ đồng) để thực hiện xây mới, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định. Theo đó, giá trị kinh doanh từ lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng gia tăng. Năm 2018, tổng giá trị kinh doanh thương mại, dịch vụ của huyện đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với năm 2015.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Giai đoạn 2012 -2018, hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện có nhiều bước phát triển. Hiện nay, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện chú trọng đầu tư phát triển hệ thống chợ theo hướng chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý (theo chủ trương của Chính phủ); phát triển cơ sở hạ tầng; các cửa hàng kinh doanh hàng hóa bán lẻ; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của huyện để kết nối cung – cầu nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế – xã hội…
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()