Chi Lăng: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa
– Những năm qua, UBND huyện Chi Lăng đã chú trọng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng phát triển sản phẩm nông sản chủ lực, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Chi Lăng đã ban hành Chương trình số 16/CTr-UBND ngày 30/9/2016 về Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới huyện Chi Lăng giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, huyện chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp, có lợi thế để ưu tiên phát triển.
Người dân thôn Đồng Ghè, xã Quan Sơn chăm sóc ớt
Điển hình như tại xã Chi Lăng. Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu sản suất nông nghiệp nhỏ lẻ, hiệu quả kinh thế thấp. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, những năm gần đây, người dân xã Chi Lăng đã lựa chọn cây ăn quả làm sản phẩm chủ lực để phát triển.
Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng cho biết: Thay vì tập trung vào cây lúa như trước, từ năm 2016, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi trên 130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã đã có 600 ha cây ăn quả gồm: na, bưởi tập trung ở các thôn: Quán Thanh, Đồng Đĩnh, Quán Bầu, Đồng Ngầu… Qua đó, hiệu quả kinh tế thay đổi rõ rệt, số hộ có thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/hộ chiếm 30% số hộ trong xã; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 17% (năm 2016) xuống còn 1,03% (năm 2020); đến nay, thu nhập bình quân đạt 49,3 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ xã Chi Lăng, việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt được các xã tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, diện tích các loại cây trồng được mở rộng và hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, huyện đã hình thành 10 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: vùng nguyên liệu thuốc lá diện tích 800 ha; vùng trồng na trên 1.800 ha; vùng sản xuất ớt trên 800 ha; vùng trồng lạc trên 500 ha…
Sau khi hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung hỗ trợ các xã, thị trấn nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như đối với cây ăn quả, huyện đã chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP; tăng cường quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức ngày hội na. Như năm 2020, UBND huyện đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng na với diện tích 45 ha tại thị trấn Đồng Mỏ và xã Y Tịch; hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc và 1.000 bao bì sản phẩm cho người dân.
Nhờ thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên như: vùng trồng na, sản lượng đạt 16.500 tấn năm 2020, tăng 62,2% so với năm 2015, giá trị đạt 200 triệu đồng/ha; vùng sản xuất ớt, sản lượng đạt 6.500 tấn (năm 2020), giá trị đạt trên 100 tỷ đồng; vùng nguyên liệu thuốc lá, sản lượng 1.600 tấn, đạt trên 70 tỷ đồng…
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích các vùng sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
Việc xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa đã góp phần thúc đẩy giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,71% năm 2016 xuống còn 7,74% năm 2020; thu nhập bình quân năm 2020 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; trung bình mỗi xã đạt 13,56 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tăng 5,64 tiêu chí so với năm 2015.
Ý kiến ()