Chi Lăng: Phát triển chăn nuôi
LSO- Chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn được huyện Chi Lăng chú trọng phát triển. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện hiện nay khoảng trên 400 nghìn con, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Những năm qua, huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn và các xã tập trung nâng cao chất lượng và số lượng đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đồng thời, tập trung phát triển giống vật nuôi hiệu quả kinh tế cao như: bò lai Sind, bò sữa, lợn hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng… theo hướng bán công nghiệp. Trong đó, đã tập trung phát triển 3 loại vật nuôi có thế mạnh lớn là lợn, trâu và gia cầm. Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, huyện đã chú trọng chuyển đổi trồng các loại cây cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc như ngô, sắn, khoai lang…
Song song với đảm bảo nguồn giống, nguồn thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi, các cấp, các ngành, luôn đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu; chú trọng tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ; quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ. Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện, hằng năm, trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xuất hiện những bệnh thông thường nhưng luôn được điều trị và tiêu độc khử trùng kịp thời, không để dịch bệnh phát tán diện rộng. Từ năm 2015 đến nay đã tiêm phòng cho trâu, bò được 17.619 lượt con, lợn được 4.200 con, đàn gia cầm được 29.402 con.
Đàn trâu của nông dân xã Gia Lộc
Đến hết tháng 6/2015, tổng đàn gia súc và gia cầm toàn huyện là hơn 400 nghìn con, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, đàn trâu 15.229 con, đàn lợn 36.850 con và đàn gia cầm 331.802 con… Trong 6 tháng đầu năm 2015, huyện đã xuất chuồng hơn 44.696 con gia súc, 269.778 con gia cầm với sản lượng thịt hơi hơn 4.161 tấn, cho hiệu quả kinh tế khá cao đối với các hộ gia đình chăn nuôi nói riêng và toàn huyện nói chung. Tuy nhiên, chăn nuôi ở Chi Lăng vẫn còn nhiều hạn chế như còn mang tính tự phát, hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ hộ gia đình, thả rông, chưa có sự đầu tư phát triển bền vững. Việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, trên địa bàn chưa có chợ đầu mối, cơ sở giết mổ chế biến tập trung. Cùng với đó, chất thải trong chăn nuôi là nguy cơ tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, để phát triển chăn nuôi trên địa bàn, huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan cùng các xã nghiên cứu để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, nhằm giải quyết được những hạn chế. Trong đó tập trung vào một số giải pháp quan trọng là tiếp tục tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, tăng cường tập huấn kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh để phát triển chăn nuôi hiệu quả.
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Ý kiến ()