Chi Lăng: Phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ sản xuất
(LSO) – Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chi Lăng đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất trên địa bàn.
Được triển khai từ năm 2012, đến đầu năm 2019, mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Nguyễn Ngọc Thạch, thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao có quy mô 350 con thỏ nái và khoảng 3.000 con thỏ thịt. Năm 2019, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Nguyễn Ngọc Thạch được hỗ trợ 100 triệu đồng để mở rộng quy mô, phát triển mô hình.
Anh Thạch cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ, gia đình tôi đã nâng tổng đàn lên 500 con thỏ nái và 5.000 con thỏ thịt. Doanh thu bình quân hằng năm được 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, một số gia đình trên địa bàn xã đã học tập và triển khai xây dựng mô hình nuôi thỏ. Đến nay, có 6 hộ trên địa bàn xã nuôi thỏ với tổng đàn 2.000 con thỏ nái và 10.000 con thỏ thịt.
Mô hình nuôi thỏ tại xã Mai Sao (được hỗ trợ từ nguồn phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới) đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân
Cùng với mô hình nuôi thỏ ở xã Mai Sao, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã lựa chọn hỗ trợ và xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả. Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc cho biết: Năm 2020, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới (200 triệu đồng), xã đã hỗ trợ cho các hộ dân mua thức ăn nuôi bò vỗ béo (quy mô 96 con). Có thêm nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân yên tâm tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò. Chỉ tính riêng từ nuôi bò, mỗi hộ dân thu lãi từ 2-3 triệu đồng/con bò/tháng. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã đang tiếp tục đầu tư mô hình nuôi bò vỗ béo này.
Trong những năm qua, từ nguồn vốn HTSX của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng trên 8 tỷ đồng để triển khai được 23 mô hình phát triển sản xuất. Điển hình như mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi bò, gà, trâu… Đến nay, đa số các mô hình đều được duy trì và nhân rộng.
Bên cạnh hỗ trợ nguồn lực phát triển sản xuất, hằng năm, UBND huyện giao phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã rà soát, tổng hợp, đề xuất các mô hình phát triển sản xuất cụ thể, phù hợp thực tiễn. Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, phòng chuyên môn tiến hành thẩm định các nội dung dự án hỗ trợ sản xuất; hướng dẫn, định hướng các xã lựa chọn mô hình, các loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với các điều kiện thực tế ở cơ sở…
Với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của các hộ dân, các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện ngày một tăng, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2016 xuống còn 7,74% năm 2020. Từ những kết quả đạt được của những năm trước, bước sang năm 2021, huyện Chi Lăng đã chủ động triển khai các mô hình HTSX. Với nguồn hỗ trợ 1.950 triệu đồng, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục xây dựng 9 mô hình sản xuất tại 5 xã gồm: Mai Sao, Gia Lộc, Y Tịch, Quan Sơn, Thượng Cường. Để thực hiện các mô hình này, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, người dân các xã đã đối ứng hơn 1.690 triệu đồng để thực hiện. Đến nay, các xã đã hoàn thành xây dựng dự án và có kế hoạch cụ thể để triển khai trong những tháng tới.
Với sự chỉ đạo sát sao của huyện, sự chủ động của xã và sự tích cực của người dân, các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Chi Lăng đã phát huy hiệu quả rõ nét, qua đó góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ý kiến ()