Chi Lăng: Phát huy hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
– Thời gian qua, hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” do Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam phát động, các cấp HND huyện Chi Lăng đã triển khai sâu rộng phong trào, thu hút đông đảo hội viên nông dân (HVND) tham gia.
Là một trong những hộ SXKDG tiêu biểu tại địa phương, hộ ông Lương Văn Dựng, thôn Nam Lân 2, xã Y Tịch đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả. Ông Dựng cho biết: Gia đình tôi bắt đầu trồng na từ năm 2011. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vườn na phát triển chậm, năng suất thấp. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) về trồng cây ăn quả do HND xã phối hợp tổ chức, tôi đã áp dụng và thấy vườn na cho năng suất, chất lượng cao hơn. Nhờ đó, gia đình đã tăng dần số cây na từ 500 cây lên hơn 1.400 cây, đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Không chỉ vậy, gia đình tôi còn tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
HVND xã Vân An, huyện Chi Lăng phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi vịt
Không riêng ông Dựng mà trên địa bàn huyện hiện có hàng nghìn hộ SXKDG với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng na; trồng vải thiều; chăn nuôi ngựa… thu nhập từ 100 – 400 triệu đồng/hộ/năm. Được biết, hiện toàn huyện có 1.043 hộ hội viên đạt danh hiệu SXKDG các cấp (tăng 305 hộ so với năm 2019), đây cũng là 1 trong 3 địa bàn có số hộ SXKDG cao nhất trên toàn tỉnh.
Để có được kết quả trên, ông Vũ Văn Nhân, Chủ tịch HND huyện Chi Lăng cho biết: HND huyện hiện có gần 12.300 hội viên sinh hoạt tại 159 chi hội của 20 xã, thị trấn. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ cho HVND phát triển kinh tế luôn được HND huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, hội thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thông qua các hoạt động như: tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ HVND tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, liên kết hợp tác mở rộng sản xuất… nhằm tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Theo đó, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ HND huyện phát động phong trào thi đua và giao chỉ tiêu thực hiện cho HND các xã, thị trấn thực hiện. Đồng thời, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền giúp HVND nắm bắt nội dung, tiêu chí… của phong trào, hội còn tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân. Đặc biệt, với thế mạnh của huyện là trồng cây ăn quả, hội tập trung tập huấn KHKT về chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử như, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của huyện hiện đạt trên 35 ha (tăng hơn 30 ha so với năm 2018), sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 690 ha (tăng hơn 500 ha so với năm 2018). Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, hội phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức hơn 180 lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, cách sử dụng các loại phân bón, phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng… cho trên 8.000 lượt HVND tham gia.
Khi HVND đã có kiến thức, với phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ”, các cấp hội tiếp tục giúp đỡ HVND tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay, hội quản lý 24 dự án cho vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số tiền trên 6,1 tỷ đồng cho 193 hộ vay; nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 98 tỷ đồng cho gần 2.250 hộ HVND vay; ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 306 hộ vay với tổng dư nợ trên 33,5 tỷ đồng. Hầu hết các hộ sau khi được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong phát triển kinh tế.
Đồng thời, các cấp hội còn tổ chức cho HVND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như năm 2022, các cấp hội trong toàn huyện đã tổ chức cho gần 170 HVND đi tham quan và nghiên cứu học tập về phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản tại một số huyện trong tỉnh; HND huyện phối hợp tổ chức cho 30 hội viên đi tham quan học tập mô hình kinh tế trong nông nghiệp tại tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa.
Đáng chú ý, hằng năm, HND huyện còn phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022; Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và nông sản, đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 (tại Hà Nội)… Ngoài ra, hội còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, các sản phẩm như: nguyên liệu thuốc lá, na, khoai tây, ớt… đã có liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp lớn.
Việc thực hiện tốt phong trào trên góp phần giúp HND huyện luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao. Ghi nhận những kết quả đó, năm 2022, HND huyện Chi Lăng được nhận bằng khen của Trung ương HND Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân năm 2021 – 2022.
Ý kiến ()