Chi Lăng phát huy giá trị di tích
(LSO)-Thời gian qua, để bảo tồn, quản lý và phát huy tốt giá trị các di tích, UBND huyện Chi Lăng đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo đối với di tích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, du lịch trên địa bàn.
Học sinh tìm hiểu hiện vật tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 112 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó: 3 di tích được xếp hạng Quốc gia (2 di tích và 1 khu di tích gồm 52 điểm), 5 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh. Công tác quản lý các di tích trên địa bàn huyện luôn có sự quan tâm của các ban, ngành, cấp ủy và chính quyền huyện luôn tạo điều kiện cho các di tích hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê lại các tài sản trong di tích theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, tăng cường trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hoá theo đúng quy định. Đến nay, 100% xã, thị trấn có di tích đã thành lập xong Ban quản lý cấp cơ sở.
Nhờ đó, trong 10 năm trở lại đây, một số di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo và thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường xung quanh di tích như: chùa Kim Sơn (xã Quang Lang); đền Chầu Bát, miếu Cô Chín (thị trấn Đồng Mỏ), đền Chầu Mười (xã Hòa Bình); đền Trần (xã Nhân Lý)… Ước tổng kinh phí cho công tác tôn tạo các di tích trên vào khoảng trên 5 tỷ đồng và 100% là sử dụng nguồn công đức và xã hội hóa.
Đáng chú ý, Khu di tích Chi Lăng (gồm 52 điểm di tích) là nơi in đậm chiến công hiển hách của dân tộc, mang ý nghĩa tầm vóc lịch sử to lớn luôn được huyện đặc biệt quan tâm bảo vệ. Hiện nay, UBND huyện đã xác định được rõ vị trí và tiến hành cắm biển di tích cho 48 điểm di tích đã được xác định và bàn giao các điểm di tích cho xã, thôn những nơi có tích để trực tiếp giữ gìn, bảo vệ theo thẩm quyền. Đặc biệt, năm 2017, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng đã được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào trưng bày trên 400 tài liệu, hiện vật; tổng giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Cùng đó, từ năm 2017 đến nay, huyện đã nâng cấp và tôn tạo lại 3 điểm di tích là: Ải Chi Lăng, Lũy ải Chi Lăng, núi Mặt Quỷ, xã hội hóa mở rộng được trên 2.000 m2 diện tích đất xung quanh khuôn viên đền Quan Trấn Ải trong quần thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng.
Song song với đó, công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về bảo vệ, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn cũng được huyện hết sức chú trọng. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã tổ chức sưu tầm tài liệu, tư liệu về Khu di tích lịch sử Chi Lăng; tái bản 2.000 cuốn sách Kỳ tích Chi Lăng. Đặc biệt, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng, huyện đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống lịch sử Chi Lăng” thu hút trên 300 bài viết dự thi.
Bên cạnh đó, hằng năm, Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan, phòng, ban, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Huyện đoàn, các đơn vị trường học, các tổ chức đoàn thể tổ chức hoạt động giáo dục, tuyên truyền, ngoại khóa tại Nhà trưng bày và tham quan học tập các giờ học lịch sử địa phương tại các điểm di tích trong khu di tích lịch sử Chi Lăng; góp phần giáo dục truyền thống của cha ông tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích như: xây dựng phương án cụ thể và thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích Lũy ải Chi Lăng, lập hồ sơ cho Khu di tích Chi Lăng đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt; tăng cường quản lý di tích, hình thành và đưa vào hoạt động tuyến tham quan du lịch gắn với di tích tín ngưỡng với các điểm, đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng); Nhà trưng bày Chiến Thắng Chi Lăng, đền Quan Trấn Ải (xã Chi Lăng), đền Chầu Bát (thị trấn Đồng Mỏ)… Xúc tiến xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hoá tâm linh.
Ý kiến ()