Chi Lăng nỗ lực giảm nghèo
LSO-Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với các chính sách hỗ trợ thiết thực, các hộ nghèo được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hộ gia đình thôn Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ) thoát nghèo nhờ nuôi lợn nái |
Tuy thuộc thị trấn Đồng Mỏ nhưng thôn Lũng Cút lại cách trung tâm đến hơn 3 km đường đèo dốc, quanh co. Vì thế mà đời sống nhân dân ở đây gặp không ít khó khăn với 23/48 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhận thấy điều kiện tự nhiên nơi đây phù hợp với sự phát triển của các loại rau như: bò khai, rau ngót rừng…cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch cho bà con. Đồng thời vận động các hộ nghèo mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế gia đình. Đến nay, 20/23 hộ nghèo của thôn được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ lên đến hơn 700 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao.
Là một trong những hộ gia đình thoát nghèo năm nay, anh Trương Văn Cúc (thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ) nói: Nhờ sự động viên và hỗ trợ thường xuyên, tận tình của cán bộ xã, gia đình tôi đã được tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hiện nay ngoài trồng rau, gia đình tôi còn chăn nuôi thêm lợn nái và khoảng 30 con gà thả vườn. Từ dó giúp gia đình nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Không chỉ riêng các hộ nghèo ở thôn Lũng Cút mà 152/152 hộ nghèo ở thị trấn Đồng Mỏ đều được quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều biện pháp thiết thực. Nhờ đó, năm 2016 thị trấn có 48 hộ thoát nghèo (đạt 38,6%) và không có hộ tái nghèo. Cũng dựa vào thế mạnh của xã, các hộ nghèo ở xã Chi Lăng được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tập trung vào trồng na. Từ đó đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu với 19 hộ thoát nghèo trong năm 2016.
Các biện pháp giảm nghèo bền vững đã được triển khai đồng loạt đến 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ sản xuất, y tế, giáo dục, nhà ở… huyện đã có kế hoạch triển khai các chính sách giảm nghèo chung và thực hiện hỗ trợ giảm nghèo đặc thù cho người dân. Trong năm qua, huyện đã triển khai thực hiện chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đối với các hộ thiếu vốn sản xuất, các xã, thị trấn rà soát lại nhu cầu số lượng, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng với 12 lớp, gần 400 người tham gia.
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong năm 2016, hàng trăm hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững. Nếu như đầu năm 2016 toàn huyện có 4.183 hộ nghèo thì đến thời điểm này, số hộ nghèo giảm xuống còn 3.510 hộ, chiếm tỷ lệ 19,71% (giảm 3,95% so với đầu năm 2016, vượt kế hoạch về giảm nghèo của huyện). Tiêu biểu như xã: Bằng Mạc, Mai Sao, Quan Sơn… Ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện cho biết: Năm 2017 được ban chỉ đạo huyện xác định là năm đột phá để giảm nghèo bền vững. Theo đó, ban chỉ đạo sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để rà soát, huy động vốn, giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo theo địa chỉ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người dân và huy động mọi nguồn lực để giúp người nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()