LSO- Trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện, thể hiện rõ rệt nhất là đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Chi Lăng đã quan tâm và nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010 theo nghị quyết số 03/NQ- TU ngày 12/7/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, huyện Chi Lăng đã không ngừng kiện toàn ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể huyện phối hợp thực hiện tốt công tác truyền thông giảm nghèo thông qua các hội nghị tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề... Qua đó, tập trung chỉ đạo...
LSO- Trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện, thể hiện rõ rệt nhất là đối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đó là kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Chi Lăng đã quan tâm và nỗ lực thực hiện trong những năm qua.
Để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010 theo nghị quyết số 03/NQ- TU ngày 12/7/2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, huyện Chi Lăng đã không ngừng kiện toàn ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo ở các cấp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể huyện phối hợp thực hiện tốt công tác truyền thông giảm nghèo thông qua các hội nghị tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, dạy nghề… Qua đó, tập trung chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương gắn với chương trình mục tiêu giảm nghèo; thực hiện tốt chương trình đầu tư xây dựng cơ bản, công tác cho vay từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm và chương trình cho vay vốn hộ nghèo từ ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo, đặc biệt là đối tượng nghèo ở các vùng khó khăn tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục… Từ các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, nhân dân các địa phương không ngừng được nâng cao kiến thức, tích cực ứng dụng kĩ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Mặt khác, toàn huyện tập trung khai thác các thế mạnh, tiềm năng theo từng vùng như: vùng núi đá trồng cây ăn quả na, các xã Y Tịch, Vạn Linh, Gia Lộc trồng ngô, thuốc lá…
Mô hình giống ngô lai ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng
Thực hiện công tác hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất tăng thu nhập, các hộ nghèo đã được tạo điều kiện vay vốn của ngân hàng chính sách, từ dư nợ trên 27 tỷ đồng (năm 2006) lên 43,486 tỷ đồng (ước thực hiện năm 2010). Trong 5 năm qua, toàn huyện có 4.628 hộ nghèo được vay vốn, hầu hết các hộ nghèo đã sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vườn cây quả, chăn nuôi…, phát huy hiệu quả kinh tế, đến nay có 1.354 hộ thoát nghèo bền vững. Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và dân tộc thiểu số có đất sản xuất, cải thiện nước sinh hoạt và xóa được nhà tạm, nhà dột nát, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn ngày một tiến bộ, văn minh và cơ bản đã cải thiện được đời sống sinh hoạt của đa số các hộ nghèo trên địa bàn. Thực hiện chương trình hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nghèo, hàng năm, huyện đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động đi xuất khẩu hoặc có việc làm trong nước. Năm 2009, huyện đào tạo nghề cho 270 lao động nghèo, năm 2010 dự kiến số người nghèo được đào tạo nghề là 370 lao động. Bên cạnh thực hiện công tác hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, có việc làm để vươn lên thoát nghèo, huyện luôn thực hiện tốt các chính sách tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản về hỗ trợ y tế, giáo dục, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ đột xuất… Qua đó, hàng nghìn hộ nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, hàng nghìn học sinh nghèo được miễn giảm học phí, được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập hàng năm. Cùng với các chương trình đầu tư về giao thông, thủy lợi, các công trình điện, trường học và y tế… được quan tâm xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để tăng gia sản xuất, giao lưu phát triển kinh tế- xã hội.
Từ triển khai thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 26,76% (năm 2006) xuống còn 13,28% (năm 2009). Hiện nay, toàn huyện còn 2 xã Hữu Kiên và Liên Sơn là xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực về vốn, lao động, thực hiện tích cực và đồng bộ các chương trình phát triển nông lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông nông thôn gắn với thực hiện các chương trình hỗ trợ, các dịch vụ cho người nghèo… Trong đó, tập trung đầu tư nhằm phát huy các lợi thế của từng địa bàn xã, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa kinh tế huyện ngày càng phát triển.
Lâm Như
Ý kiến ()