Chi Lăng: Nhân rộng mô hình sản xuất cây có múi theo hướng an toàn
– Thời gian qua, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích cây ăn quả và chú trọng phát triển sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, ổn định thị trường và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện triển khai mô hình trồng, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Chi Lăng, tổng diện tích 20 ha với 52 hộ tham gia. Theo đó, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (Cần Thơ) tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký theo dõi cây trồng, các phương pháp đánh giá quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm; phân tích, đánh giá mẫu đất trồng, nước tưới và các tác động khác của môi trường để kịp thời khuyến cáo bà con sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người dân thị trấn Đồng Mỏ chăm sóc bưởi
Là một trong những hộ tham gia trồng, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Trịnh Sơn Nam, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Năm 2010, gia đình tôi trồng 0,5 ha bưởi Diễn. Thời điểm đó, tôi trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế chưa cao và không ổn định. Đến năm 2018, theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tôi đã chuyển sang trồng, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn, số lượng quả ổn định, giá cả tăng từ 5 đến 10%. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập ổn định 100 triệu đồng.
Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Sau khi thực hiện mô hình, 52 hộ trồng bưởi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, chất lượng sản phẩm được nâng lên, tạo được niềm tin cho khách hàng, thị trường ổn định. Ngay sau khi áp dụng quy trình mới, vụ thu hoạch năm 2018, sản lượng bưởi VietGAP đạt 355,2 tấn (tăng 10% so với năm 2017). Nhận thấy hiệu quả đó, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã có 50 ha bưởi của 95 hộ gia đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đều được cấp giấy chứng nhận.
Để hướng đến mục tiêu phát triển cây ăn quả bền vững, sau khi thực hiện mô hình điểm tại xã Chi Lăng, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn mở rộng mô hình sản xuất bưởi, cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO và Công ty CP Chứng nhận và Kiểm nghiệm Certification and Testing (Hà Nội) để thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện cân đối các nguồn vốn để hỗ trợ UBND các xã, thị trấn thực hiện mở rộng mô hình. Đơn cử, trong năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, phòng đã hỗ trợ thực hiện mở rộng diện tích sản xuất cây có múi theo hướng nông nghiệp an toàn với 74 ha tại 5 xã, thị trấn và hỗ trợ bao bì, tem nhãn đóng gói sản phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, Nhân dân đối ứng gần 827 triệu đồng).
Nhờ đó, đến nay, mô hình sản xuất cây có múi theo hướng an toàn đã mở rộng từ 20 ha (năm 2018) lên 144 ha tại các xã như: Quan Sơn, Y Tịch, Vạn Linh và thị trấn Đồng Mỏ.
Ông Vũ Văn Nhân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Việc phát triển sản xuất theo hướng an toàn mục đích là phát triển cây có múi ổn định, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Năm 2020, năng suất cây có múi đạt 34,8 tạ/ha (tăng 22,5 tạ/ha so với năm 2017), giá trị sản xuất đạt 40 tỷ đồng (tăng 28 tỷ đồng so với năm 2017).
Thời gian tới, chính quyền, ngành chức năng huyện Chi Lăng tiếp tục truyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sản xuất cây có múi theo hướng an toàn, tăng thu nhập cho người dân và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Ý kiến ()