Chi Lăng: Nhân rộng mô hình chăn nuôi ngựa bạch
- Tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai, nguồn thức ăn dồi dào, người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tích cực mở rộng phát triển mô hình chăn nuôi ngựa bạch. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Là một trong những hộ chăn nuôi ngựa bạch có hiệu quả trên địa bàn xã Hữu Kiên, ông Nông Văn Quang, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi ngựa bạch từ năm 2003 với tổng số 2 con, chủ yếu chăn nuôi ngựa bạch sinh sản. Nhận thấy giống ngựa bạch này thích nghi tốt, phù hợp phát triển trong điều kiện khí hậu trên địa bàn xã, gia đình tôi mở rộng tăng đàn qua từng năm. Sau 5 năm, gia đình tôi tăng đàn và duy trì chăn nuôi 10 con ngựa bạch sinh sản cho đến nay. Mỗi năm ngựa sinh sản một lứa, sau khoảng từ 3 đến 5 tháng chăm sóc, ngựa được xuất chuồng. Trung bình mỗi năm, gia đình bán 7 con ngựa giống, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Hữu Kiên là xã đầu tiên của huyện Chi Lăng phát triển chăn nuôi ngựa bạch. Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: Xã có diện tích đồi núi, đồng cỏ rộng lớn rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Do vậy, hằng năm, xã đã tuyên truyền, vận động bà con tăng đàn, đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 1 lớp tập huấn/năm hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi ngựa. Đến nay, toàn xã đã có tổng số trên 2.400 con ngựa. Trung bình mỗi con ngựa giống hiện có giá từ 40 đến 50 triệu đồng/con, ngựa thịt có giá trên 40 triệu đồng/con. Để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, năm 2024, từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, UBND xã đã hỗ trợ 11 con ngựa bạch giống cho 11 hộ nghèo tại thôn Suối Mạ với kinh phí trên 400 triệu đồng.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình, người dân các xã khác cũng chủ động đưa giống ngựa bạch về chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình. Theo người dân, giống ngựa bạch có thuộc tính hiền, phù hợp với môi trường, khí hậu trên địa bàn huyện, giá trị kinh tế cao gấp đôi so với ngựa thường. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt, nấu cao hoặc bán con giống.
Hiện nay, tổng đàn ngựa bạch trên địa bàn huyện hiện có trên 4.000 con (là huyện có tổng đàn ngựa bạch lớn nhất tỉnh) được người dân mở rộng chăn nuôi ra các xã: Quan Sơn, Liên Sơn, Chiến Thắng, Bằng Hữu. Mỗi năm, từ chăn nuôi ngựa bạch đã đem lại thu nhập từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 19,7% năm 2016 xuống còn 6,48% năm 2023.
Để giúp người dân có kiến thức và phát triển chăn nuôi ngựa bạch, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đều quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với đơn vị liên quan, UBND các xã tổ chức khoảng 70 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, trong đó, có kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên ngựa bạch.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã thực hiện dự án hỗ trợ mô hình chăn nuôi ngựa bạch cho các hộ nghèo, cận nghèo. Cụ thể, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 40 con ngựa bạch giống cho 40 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Hữu Kiên và Bằng Mạc với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện nói chung và chăn nuôi ngựa bạch nói riêng, phòng tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng quy mô chăn nuôi; phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi ngựa bạch theo hướng bền vững, đặc biệt, khuyến khích người dân đa dạng hóa các sản phẩm từ ngựa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với sự chủ động của người dân, sự quan tâm của các cấp, ngành, tin tưởng rằng mô hình chăn nuôi ngựa bạch trên địa bàn huyện sẽ ngày càng nâng cao giá trị, tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()