Chi Lăng: Nguy cơ tận diệt chim rừng
(LSO) – Trước đây, trên bàn huyện Chi Lăng, bẫy chim chỉ được coi là thú vui, chưa được gọi là “nghề”. Nhưng hiện nay, vì lợi nhuận từ những con chim rừng, nhiều người tranh thủ lúc nông nhàn đi bẫy chim. “Nghề” bẫy chim cung cấp ra thị trường món “hàng hóa” đặc thù và mang lại thu nhập tương đối. Và cũng từ đây, chim rừng trên địa bàn huyện Chi Lăng đứng trước nguy cơ bị tận diệt.
Anh L.V.H, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, một trong những người bẫy chim có kinh nghiệm cho biết: Trước đây, tại những cánh rừng trên địa bàn xã hoặc các xã lân cận có nhiều loại chim, còn bây giờ do giá chim cao, nhiều người đi bẫy, cùng với nhiều loại bẫy như: lồng sập, bẫy dây thòng lọng, bẫy keo dính, ban đêm dùng lưới giăng rồi lùa cả đàn cho mắc lưới… nên các loại chim ngày càng ít đi. Đặc biệt, những loại chim người mua có nhu cầu cao như: khướu, họa mi, sáo, chích chòe lửa… rất hiếm gặp.
Một thợ bẫy chim trên địa bàn huyện Chi Lăng rao bán chim vừa bẫy được trên mạng xã hội
Theo chia sẻ của anh L.V.H, giá chim chích chòe than, chim ngũ sắc mỗi con khoảng 150 – 200 nghìn đồng, còn chim quý như: khướu, họa mi thì có giá khoảng từ 400 – 700.000 đồng/ con. Với giá trị cao như hiện nay và “nguồn cung không đủ cầu” nên ngày càng nhiều người đi bẫy chim.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng trên địa bàn xã Gia Lộc đã có trên 20 người chuyên đi săn bẫy chim rừng. Tình trạng săn, bẫy chim không chỉ ở Gia Lộc mà ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện. Việc rao bán cũng rất đơn giản, chỉ cần chụp ảnh đăng trên mạng xã hội như: facebook, zalo sẽ có khách hàng đặt mua hoặc có người đến tận nhà để mua theo số lượng lớn.
Anh Triệu Văn Hiến, một người buôn chim mới vào nghề tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Nhận thấy nhu cầu nuôi chim của mọi người ngày càng tăng hơn một năm nay, tôi bắt đầu vào “nghề” buôn chim. Hằng ngày, tôi ngồi “lướt” mạng xã hội facebook, trên các fanpage, hội, nhóm chơi chim, thấy ai rao bán chim rừng thì tôi đặt mua. Mua về thuần được khoảng 5 – 10 ngày, tôi rao bán cho người khác để “ăn” tiền chênh lệch. Số lượng người đặt mua chim ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Bá Đoàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chi Lăng cho biết: Tình trạng bẫy chim rừng với số lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học và giảm số lượng về loài chim, nhất là các loài chim, thú rừng quý hiếm. Để bảo tồn và phát triển các loài chim cũng như động vật hoang dã, hằng năm, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền đến người dân, cụm dân cư về các văn bản luật, nghị định về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã, thú rừng quý hiếm, trong đó có các loài chim rừng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các hoạt động buôn bán chim, thú rừng trên địa bàn huyện. Tính trong 9 tháng đầu năm 2019, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý được 5 vụ về buôn, bán chim rừng.
So với thực tế, số vụ xử lý của cơ quan chức năng còn quá ít, và cứ với đà này, nguy cơ tận diệt chim rừng ngày càng cao.
Ngày 29/5/1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 359 về bảo vệ và phát triển động vật hoang dã. Chỉ thị khẳng định: Động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy, mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặt biệt là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. |
Ý kiến ()