Chi Lăng: Nét mới trong phát triển giao thông nông thôn
LSO-Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chi Lăng luôn là một trong những huyện đi đầu trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Năm 2013, huyện được hỗ trợ 2 máy nghiền và 2 máy khoan đá để sản xuất vật liệu đối ứng làm đường giao thông tại từng thôn, từng xã nhằm giảm chi phí, thúc đẩy hơn nữa phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân thôn Nà Pe khai thác đá bằng máy khoan được hỗ trợ |
Chi Lăng là huyện có điều kiện tự nhiên mang nhiều nét đặc thù riêng biệt, diện tích tự nhiên chia thành hai vùng núi đất và vùng núi đá bởi quốc lộ 1A. Hiện tại, trên địa bàn huyện chỉ có mỏ khai thác đá đều nằm trên địa bàn xã Quang Lang. Những năm qua, khi thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, huyện phải mua và vận chuyển đá từ xã Quang Lang đến các xã, thị trấn có nhu cầu xây dựng. Việc này gây tốn kém chi phí và đôi khi không chủ động vật liệu để phục vụ xây dựng kịp tiến độ, nhất là các xã thuộc khu vực núi đất.
Ông Vi Văn Dung, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng cho biết: Do điểm khai thác đá chỉ tập trung ở một địa phương nên việc vận chuyển vật liệu đá đến các điểm xây dựng giao thông nông thôn tại các thôn, xã xa trên địa bàn huyện là rất tốn kém. Theo tính toán của cán bộ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện thì thực tế mỗi khối đá để vận chuyển đến được nơi đang có nhu cầu xây dựng giao thông sẽ bị tăng chi phí lên từ 100 đến 300 nghìn đồng. Chính vì vậy, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện mua 2 máy nghiền và 2 máy khoan đá, Phòng chịu trách nhiệm quản lý và vận hành. Ngay khi có máy, huyện đã gửi công văn thông báo đến từng xã trên địa bàn để các xã lên kế hoạch cụ thể và đăng ký sử dụng máy. Với cơ chế, máy được đưa đến tận thôn, xã để sản xuất đá phục vụ công tác làm đường giao thông. Đồng thời, huyện cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân địa phương cách vận hành, hỗ trợ tiền nhiên liệu hoạt động. Đến tháng 11/2013, máy đã được vận chuyển đến hai xã Vạn Linh và Bằng Mạc và bắt đầu triển khai hoạt động.
Tìm hiểu thực tế tại xã Bằng Mạc, từ khi được đưa vào sử dụng máy hoạt động tốt, cho sản phẩm đá phù hợp với công suất thiết kế, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ cho việc làm đường bê tông xi măng. Việc đưa máy nghiền đá vào phục vụ công tác phát triển giao thông nông thôn đã tận dụng tốt nguồn lao động nông nhàn của nhân dân, giảm được chi phí 150 nghìn đồng/khối đá so với trước đây. Ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi được huyện bàn giao máy, xã đã triển khai đưa vào hoạt động ngay tại hai thôn Đông Quan và Nà Pe, mỗi thôn cử một đội 10 người phụ trách vận hành, quản lý máy một ngày. Sử dụng máy, người dân đã tận dụng những hòn đá mồ côi rải rác trong thôn và ở dưới chân núi gần nhất nên đã khai thác một cách hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có một cách an toàn. Trung bình một ngày mỗi thôn cũng sản xuất được từ 12 đến 14 khối đá.
Sự chú trọng đến công tác xây dựng giao thông nông thôn và mạnh dạn áp dụng các phương pháp mới nên trong năm 2013, huyện Chi Lăng đã sử dụng hết 2.555 tấn xi măng được hỗ trợ, hoàn thành 16,5km đường. Đồng thời, vận động nhân dân đóng góp được trên 100 triệu đồng và hiến hơn 34.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Theo ông Vi Văn Dung, trong năm 2014, từ hiệu quả của phương án sản xuất vật liệu đối ứng tại địa phương, nhiều xã đã đăng ký và có kế hoạch cụ thể để sử dụng máy nghiền đá, điều này chứng tỏ người dân rất hưởng ứng phong trào xây dựng giao thông nông thôn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện và sự đồng lòng của người dân, Chi Lăng sẽ phấn đầu hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn nói riêng và nông thôn mới nói chung theo đúng giai đoạn 2011 – 2015 và đến 2020.
ANH DŨNG
Ý kiến ()