Chi Lăng: Nâng cao giá trị sản phẩm từ chương trình OCOP
(LSO) – Thời gian qua, huyện Chi Lăng đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sau gần 2 năm triển khai, chương trình đã đạt kết quả bước đầu, Chi Lăng trở thành một trong những huyện có số lượng sản phẩm được chứng nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh.
Gia đình chị Triệu Thị Sơn, thôn Đông Thành, xã Vạn Linh bắt đầu làm cao khô từ năm 2016. Để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2019, gia đình chị đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm cao khô và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm an toàn và có bao bì, nhãn mác, tem truy suất nguồn gốc.
Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng sản xuất cao khô
Chị Sơn cho biết: Sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, khách hàng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Phước, Bình Dương… Nhờ đó, sản lượng cao khô sản xuất từ đầu năm 2020 đến nay được trên 220 nghìn bó, với giá bán từ 1.800 – 2.000 đồng/bó, đem lại cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Ngoài ra, gia đình còn liên kết với nhiều cửa hàng nông sản sạch tại huyện Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn để bán sản phẩm. Hiện nay, gia đình đang có kế hoạch liên kết với 7 hộ khác trong thôn để làm cao khô nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ năm 2019, khi tỉnh triển khai thực hiện đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, huyện Chi Lăng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các xã, thị trấn.
Để thực hiện chương trình, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá… Chính vì thế, đòi hỏi người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất.
Do vậy, cùng với việc tuyên truyền, huyện đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, hộ sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức được 2 lớp tập huấn chuyên đề về chương trình OCOP cho hơn 160 cán bộ xã, thị trấn, nhóm hộ, hợp tác xã.
Chị Đàm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Hợp tác xã được thành lập năm 2017 với 85 thành viên, diện tích sản xuất na là 48,62 ha. Trước đây, hợp tác xã đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến tháng 9/2020, sản phẩm na dai được công nhận OCOP 4 sao, nhờ đó giá bán ra luôn cao hơn 10 đến 20 nghìn đồng/kg so với na sản xuất ở nơi khác.
Từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện có 5 sản phẩm của 4 xã, thị trấn được chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm đạt 3 sao (cao khô Vạn Linh, tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung, rau bò khai thị trấn Đồng Mỏ); 2 sản phẩm đạt 4 sao (na dai thị trấn Đồng Mỏ, na dai xã Chi Lăng). Hiện nay, huyện đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký OCOP cho sản phẩm mật ong xã Vân Thủy.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả giúp tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm được nâng lên rõ rệt, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Để chương trình đạt hiệu quả, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền các hợp tác xã, hộ dân về ý nghĩa, hiệu quả chương trình; tập trung xác định đúng tiềm năng, lợi thế các vùng tạo ra sản phẩm hàng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP… Từ đó, tư vấn, hướng dẫn các xã đăng ký, làm hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Ý kiến ()