Chi Lăng: Nâng cao chất lượng vùng sản xuất nông nghiệp
– Thời gian qua, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, UBND huyện Chi Lăng đã chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng vùng sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, huyện Chi Lăng đã chú trọng quy hoạch, xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: vùng trồng na, vùng nguyên liệu thuốc lá, vùng trồng ớt, vùng trồng lạc, vùng hồi… Tuy nhiên, người dân chủ yếu vẫn canh tác theo phương pháp truyền thống, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao.
Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng chăm sóc na
Để nâng cao chất lượng sản phẩm tại các vùng sản xuất nông nghiệp, hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình, tuyên truyền, khuyến khích người dân ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào trồng trọt. Đến nay, toàn huyện có trên 613 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 320 ha hồi hữu cơ.
Ông Linh Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Diện tích cây ăn quả toàn thị trấn trên 500 ha, trong đó, na 480 ha. Từ năm 2020 đến nay, được UBND huyện quan tâm, hỗ trợ thực hiện mô hình và tập huấn sản xuất na theo hướng VietGAP, toàn thị trấn đã có 128,8 ha na chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường ổn định, giá trị đạt khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, phòng chuyên môn huyện chú trọng tuyên truyền, đưa các giống cây mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Cụ thể, đầu năm 2022, để nâng cao chất lượng vùng trồng thuốc lá, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) đã thực hiện mô hình thí điểm đưa giống thuốc lá chất lượng cao GL7 vào trồng và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tại xã Bằng Mạc, Y Tịch với diện tích 122 ha. Kết quả, năng suất đạt cao hơn 20% so với diện tích người dân trồng đại trà, tỷ lệ cấp thuốc lá khô loại 1 và 2 cao hơn 30%. Đây là tiền đề để người dân mở rộng diện tích áp dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các vụ sau.
Cùng đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp các đơn vị chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức tập huấn được 121 cuộc cho 4.625 lượt người nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Lương Văn Thảo, khu Ga Bắc, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha na, năm 2020 – 2021, tôi triển khai chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP và được nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng tiền phân bón hữu cơ và được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm sóc, từ năm 2020, sản lượng na đạt khoảng 3 tấn/năm (tăng 20% so với năm 2019), thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, hằng năm, UBND huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, các sản phẩm như: nguyên liệu thuốc lá, na, khoai tây, ớt… đã có liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp lớn.
Nhờ áp dụng các giải pháp trên đã từng bước nâng cao chất lượng vùng sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên như: vùng trồng na khoảng 2.300 ha, giá trị đạt khoảng 700 tỷ đồng/năm; vùng trồng cây có múi quy mô trên 500 ha, giá trị đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm; vùng nguyên liệu thuốc lá khoảng 800 ha, giá trị đạt trên 70 tỷ đồng…
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng vùng sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào sản xuất; nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ vùng trồng na được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 1.000 ha hồi được sản xuất hữu cơ… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, giá trị kinh tế.
Có thể thấy, những năm qua, Chi Lăng đã phát huy thế mạnh, xây dựng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, từng bước nâng cao chất lượng vùng. Tin tưởng rằng, các giải pháp huyện đã và đang thực hiện sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ý kiến ()