Chi Lăng: Mùa ớt “đắng”
- Thời điểm này, huyện Chi Lăng đang bước vào chính vụ thu hoạch ớt. Tuy nhiên, năm nay, người trồng ớt trên địa bàn huyện đang phải đối diện với nỗi buồn nhân đôi khi ớt vừa mất mùa, vừa mất giá.
Chi Lăng là huyện có diện tích trồng ớt lớn nhất trên địa bàn tỉnh (chiếm khoảng 50%). Đây cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện, được người dân tập trung sản xuất trong vụ Đông Xuân. Vụ ớt năm nay, toàn huyện trồng khoảng 726 ha, giảm 20 ha so với vụ ớt năm 2023, trong đó có khoảng 300 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với 192,3 ha đã được cấp mã số vùng trồng (tương đương 31 mã), tập trung tại một số xã, thị trấn như: Nhân Lý, Mai Sao, thị trấn Đồng Mỏ...
Hiện nay, người dân đang bước vào chính vụ thu hoạch ớt. Tuy nhiên, tình trạng sâu bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và sản lượng ớt. Bà Ngô Thị Hòa, khu Tiền Phong, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng 5 sào ớt. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã bỏ ra gần 9 triệu đồng để đầu tư giống, phân bón... Thế nhưng khi gần đến vụ thu hoạch, 2/3 diện tích ớt của gia đình xuất hiện tình trạng cây bị chết, héo xanh, thối quả. Với tình hình này, sản lượng vụ ớt năm nay không được bao nhiêu, gia đình tôi coi như không có lãi và mất công trồng, chăm sóc. Không riêng gia đình tôi, các vườn ớt lân cận cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Không chỉ các vườn ớt tại thị trấn Đồng Mỏ, người dân trồng ớt tại xã Nhân Lý cũng đang đối diện với nguy cơ mất mùa. Chị Vi Thị Lan, thôn Hợp Nhất, xã Nhân Lý cho biết: Vụ ớt năm nay, gia đình tôi đầu tư hơn 10 triệu đồng để trồng và chăm sóc 6 sào ớt. Hiện đã là giữa vụ thu hoạch nhưng từ đầu vụ đến nay, do sâu bệnh hại nên gia đình tôi chỉ thu được 8 tạ ớt, sản lượng giảm khoảng 50% so với năm trước.
Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, vụ ớt năm nay, toàn xã Nhân Lý trồng 95,4 ha, mặc dù diện tích trồng tăng 19,4 ha so với năm 2023, nhưng dự kiến sản lượng thu hoạch cũng chỉ đạt bằng năm 2023 (khoảng 150 tấn). Ông Chu Vũ Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Lý cho biết: Năng suất ớt năm nay không cao do một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do thời tiết không thuận lợi, cùng với đó một số hộ dân thực hiện quy trình trồng, chăm sóc như khâu làm đất, phòng trừ sâu bệnh… chưa tốt. Hiện chính quyền xã đang vận động, hướng dẫn bà con tiếp tục chăm sóc, thu hoạch ớt để giảm thiệt hại.
Không chỉ đứng trước nguy cơ mất mùa mà từ đầu vụ ớt đến nay, người trồng ớt của huyện Chi Lăng còn đối diện với việc ớt mất giá. Nếu như năm 2023, ớt Chi Lăng có giá đầu vụ trên 30 nghìn đồng/kg, giá bình quân cả vụ khoảng 18 nghìn đồng/kg, thì vụ ớt năm nay, đầu vụ cũng chỉ có giá 18 nghìn đồng/kg và hiện tại đang chính vụ nhưng giá chỉ còn từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg tùy loại. Xưa nay, trong sản xuất nông nghiệp thường xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, thì nay người trồng ớt Chi Lăng lại phải chịu cảnh “mất mùa, mất giá”.
Theo đánh giá của UBND huyện Chi Lăng, vụ ớt năm nay năng suất ớt giảm khá mạnh, tổng sản lượng cả vụ ước khoảng 4.000 tấn (năm 2023 đạt 5.000 tấn) và với mức giá bình quân thấp như hiện nay, tổng giá trị từ ớt mang lại chỉ đạt khoảng 48 tỷ đồng, bằng khoảng 50% so với năm 2023. Với những con số này, vụ ớt năm nay quả thực đã trở thành mùa ớt “đắng” của người trồng ớt Chi Lăng.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Từ đầu vụ ớt, ngay khi nắm được tình hình, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tại các xã trồng ớt lớn của huyện. Qua đánh giá thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ớt mất mùa, mất giá năm nay có một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ớt không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc (do cầu giảm mạnh), dẫn đến mất giá, từ đó người dân đã không đầu tư nhiều trong việc chăm sóc khi cây đến vụ thu hoạch; cùng với đó là sự thất thường của thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại phát triển. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trồng ớt hướng dẫn, hỗ trợ người dân tổ chức thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ ớt để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, nghiên cứu để tổng hợp những vấn đề hạn chế về mùa vụ để rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất ở các vụ sau.
Tình trạng ớt mất mùa, mất giá không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà còn gây tâm lý bất an trong quá trình sản xuất của người dân. Hy vọng rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cũng như mỗi hộ dân sẽ quan tâm hơn nữa trong việc tổ chức sản xuất, từ việc dự đoán tình hình thị trường để xác định quy mô mùa vụ, đến các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và đặc biệt là việc kết nối với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt.
Ý kiến ()