Chi Lăng: Mùa ớt “đắng”
LSO- Ớt bị chết, héo xanh, rám quả xuất hiện ở nhiều chân ruộng tại huyện Chi Lăng. Giá ớt năm nay cũng bấp bênh, giảm nhiều khiến người trồng ớt ở đây ngao ngán.
Năm nay, gia đình anh Lý Văn Tân, thôn Làng Thành, xã Quang Lang trồng gần 3 sào ớt. Trong quá trình thâm canh, anh chịu khó thăm đồng, chăm sóc cây những mong một mùa vụ bội thu. Niềm vui “chẳng tày gang”, vừa đến vụ thu hoạch, gần 2/3 diện tích ớt của anh bị chết cây, thối quả. Anh Tân kể: “Chi phí trồng 3 sào ớt hết 6 triệu đồng những mong đến mùa thu hoạch. Ai ngờ đến lúc đậu quả thì cây cứ lần lượt chết từ gốc đến ngọn, quả ớt cũng bị thối, rám. Vớt vát cả vụ bán được khoảng 3 tạ may ra được 4 triệu đồng, coi như năm nay trồng ớt bị lỗ”.
Không riêng gia đình anh Tân, vụ ớt năm nay, nhiều hộ dân ở huyện Chi Lăng rơi vào cảnh mất trắng dẫn đến thua lỗ hoặc hòa vốn. Nguyên nhân được xác định bởi nhiều diện tích trồng ớt bị chết cây, héo xanh và thối quả. Theo tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vụ ớt năm nay, toàn huyện trồng 404 ha, cao hơn so với năm ngoái 21 ha. Ớt chủ yếu được trồng tại các xã: Quang Lang, Mai Sao, Bắc Thủy, Vân Thủy, Nhân Lý, Quan Sơn… Phòng đã phối hợp với các đơn vị (khuyến nông, bảo vệ thực vật) tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây ớt. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, toàn huyện có khoảng 10% diện tích ớt bị bệnh gây hại. Vì thế, năng suất năm nay ước đạt 113 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha so với năm ngoái.
Nông dân xã Quang Lang thu hoạch ớt trên diện tích cây bị bệnh héo xanh
Ông Phan Văn Sáu, phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng cho biết: Thời tiết diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều khiến cây bị lở cổ rễ và mẫn cảm với thời tiết phát sinh bệnh héo xanh do vi – rút. Hơn nữa, người dân phơi ải đất chưa kỹ, trồng ớt trên diện tích đất đã trồng ớt 3 – 5 năm hoặc ở những chân ruộng bị ngập nước là những nguyên nhân chính dẫn đến cây bị chết và thối quả.
Không chỉ cây bị bệnh gây hại mà giá ớt năm nay có sự biến động tương đối lớn và liên tục giảm về cuối vụ. Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm thu mua ngày 30/5 giá 22.000 – 25.000 đồng/kg nhưng sang ngày 1/6 giảm xuống còn 12.000 đồng/kg và ngày 2/7 tiếp tục giảm mạnh chỉ còn 6.000 đồng/kg ớt không ngắt cuống, quả bé, xấu mã; 9.000 đồng/kg quả to đẹp, ngắt cuống.
Giá ớt biến động liên tục và giảm mạnh khiến người trồng ớt ở Chi Lăng không khỏi thấp thỏm, buồn rầu. Anh Hoàng Văn Thiện, thôn Làng Coóc, xã Quang Lang kể: “Ớt vừa bị bệnh lại giá thấp nên chẳng buồn thu hoạch. Thôi thì mất mấy tháng chăm sóc nên cố ra đồng thu hái bán được bao nhiêu hay bằng ấy để gỡ lại tiền đầu tư. Năm nay, chi phí 5 sào ớt đã hết 10 triệu tiền phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Đến giờ đã sắp hết mùa thu hoạch mà chưa kéo lại vốn”.
Trong những năm gần đây, Chi Lăng là huyện có diện tích trồng ớt nhiều nhất trong tỉnh. Cây ớt ngày càng đem lại giá trị kinh tế và thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, trước diễn biến của thời tiết và thói quen canh tác, vụ ớt đông xuân năm nay khiến nhiều nông dân mất trắng hoặc hòa vốn. Chính vì thế, để phát triển cây ớt lâu dài, ổn định thì các cấp, ngành chức năng ở huyện nên định hướng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con trong quá trình phát triển cây ớt. Nông dân cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, phương pháp trồng trọt để không xảy ra tình trạng ớt mất mùa, mất giá như năm nay.
HÀ MY - HOÀNG CƯỜNG
Ý kiến ()