Chi Lăng mùa na trái vụ
– Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Chi Lăng đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác na trái vụ (còn gọi là na vụ chiêm). Từ tháng 10 đến tháng 12, na bắt đầu được thu hoạch. Việc canh tác na trái vụ nhằm giảm gánh nặng tiêu thụ na chính vụ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
ĐẶNG DŨNG
Ông Vi Văn Lét, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là một trong những người đầu tiên canh tác na trái vụ tại huyện Chi Lăng chăm sóc vườn na của gia đình. Ngay sau khi na chính vụ được thu, vào giữa tháng 8, người dân đã phải tính toán để chuẩn bị cho các công đoạn tiếp theo để na trái vụ ra quả đúng thời điểm và đạt chất lượng
Quả na trái vụ tại Chi Lăng to, đẹp như na chính vụ, lại ít bị sâu bệnh
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác na trái vụ. Huyện Chi Lăng hiện có gần 300 ha na trái vụ đều được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, na trái vụ được người dân trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng
Nông dân huyện Chi Lăng cẩn thận bọc quả để phòng, chống ruồi vàng và các loại sâu ăn quả. Sau các giai đoạn thụ phấn, bón phân cho cây và ra quả tổng cộng khoảng 45 ngày, người dân phải tỉ mỉ bọc từng trái na và theo dõi lượng nước để tưới cây cho phù hợp. Na trái vụ được thu hoạch sau khoảng hơn 100 ngày, lâu hơn na chính vụ 15 ngày
Chất lượng quả na luôn đảm bảo, thịt chắc, róc hạt nên rất được khách hàng ưa thích
Người dân mua na tại một điểm mua-bán na thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Việc canh tác na trái vụ vừa làm giảm gánh nặng tiêu thụ trong chính vụ, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Giá na trái vụ thường cao hơn chính vụ từ 15 đến 20%
Chủ cơ sở thu mua na tại thị trấn Đồng Mỏ kiểm tra hàng trước khi chuyển đi các tỉnh, thành để tiêu thụ. Thời điểm này, giá bán dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg tuỳ loại. Thị trường chính để tiêu thụ na trái vụ là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…
Ý kiến ()