LSO-Trong không khí náo nức của mùa xuân, khắp nơi trên cả nước nô nức mở hội. Hòa chung với niềm vui ấy, nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng cũng tưng bừng mở các lễ hội truyền thống. Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, không ai là không biết đến hội Đồng Mỏ mùng 10 tháng giêng. Đường lên Xứ Lạng - Ảnh: Thanh SơnVào hội, các nam thanh nữ tú mặc những bộ quần áo đẹp nhất đến dự hội, đáng chú ý hơn cả là các chàng trai cô gái dân tộc Nùng mặc những bộ quần áo được thêu hoa văn theo đúng trang phục của dân tộc mình. Càng về trưa, mọi người về dự hội càng đông. Không khí lễ hội ngày một nhộn nhịp, tiếng người nói hòa quện vào nhau tưng bừng khắp cả thị trấn. Ở các góc chợ hay dưới các gốc cây to, các cô gái Nùng đang tụm năm tụm ba trang điểm, soi gương, chải tóc,…Các ngã ba, ngã tư của thị trấn đã chật kín người. Lễ hội nhộn nhịp hẳn lên khi từ các ngả đường dẫn vào trung tâm chợ; bốn,...
LSO-Trong không khí náo nức của mùa xuân, khắp nơi trên cả nước nô nức mở hội. Hòa chung với niềm vui ấy, nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng cũng tưng bừng mở các lễ hội truyền thống. Vào thập niên 90 của thế kỉ trước, không ai là không biết đến hội Đồng Mỏ mùng 10 tháng giêng.
Đường lên Xứ Lạng – Ảnh: Thanh Sơn
Vào hội, các nam thanh nữ tú mặc những bộ quần áo đẹp nhất đến dự hội, đáng chú ý hơn cả là các chàng trai cô gái dân tộc Nùng mặc những bộ quần áo được thêu hoa văn theo đúng trang phục của dân tộc mình. Càng về trưa, mọi người về dự hội càng đông. Không khí lễ hội ngày một nhộn nhịp, tiếng người nói hòa quện vào nhau tưng bừng khắp cả thị trấn. Ở các góc chợ hay dưới các gốc cây to, các cô gái Nùng đang tụm năm tụm ba trang điểm, soi gương, chải tóc,…Các ngã ba, ngã tư của thị trấn đã chật kín người. Lễ hội nhộn nhịp hẳn lên khi từ các ngả đường dẫn vào trung tâm chợ; bốn, năm đội sư tử với những màn đánh trống hoành tráng đang từ từ tiến vào biểu diễn thi tài lấy lì xì được treo trên cây cao gần 4m; các đội sư tử đến từ các khu phố và có cả đội đến từ những xã bạn. Ngoài những màn múa sư tử đặc sắc, ban tổ chức còn có nhiều trò chơi như quay xổ số vui xuân, ném bóng trúng đích có thưởng, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy,… Trời càng về trưa, những cô, bác có tuổi dắt các em nhỏ đi xem hội đã ra về, còn lại các cô cậu thanh niên đứng thành những nhóm nhỏ hát sli, hát lượn đối đáp giao duyên bày tỏ tình cảm. Bên nam hay bên nữ cũng đều chọn ra những người có giọng hát hay nhất để hát đối nhau. Trời càng về chiều, khắp chợ lại càng có nhiều nhóm hát đối đáp hơn, âm thanh đan xen nhau như dàn hợp xướng dân gian. Từ những năm 90 trở về sau này, vì nhiều lí do, hội Đồng Mỏ cứ nhạt dần, nhạt dần… Vài năm sau, đến hội không còn thấy những cảnh nhộn nhịp người đi, kẻ lại, sự sôi động của các đội sư tử và những làn điệu then, sli, lượn cũng vắng dần, người đi dự hội cũng không còn đông như trước nữa.
Rất vui mừng cho đồng bào các dân tộc thị trấn Đồng Mỏ nói riêng và nhân dân huyện Chi Lăng, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh và kế hoạch của UBND huyện Chi Lăng về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân Nhâm Thìn 2012, lễ hội truyền thống Đồng Mỏ chính thức được khôi phục lại. Phòng văn hóa, Trung tâm văn hóa – thể thao và du lịch huyện Chi Lăng và UBND thị trấn Đồng Mỏ đã thống nhất tổ chức điểm lễ hội huyện Chi Lăng tại đền Chầu Bát thị trấn Đồng Mỏ. Đền Chầu Bát thị trấn Đồng Mỏ có lịch sử từ rất lâu đời, đền Chầu Bát là nơi thờ phụng vị nữ tướng Vũ Thục Nương (tức Chầu Bát Nàn), là con gái thầy thuốc Vũ Công Chất và bà Hoàng Thị Mầu. Nguyên quán ở Phượng Lâu, Bạch Hạc (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Vũ Thục Nương (tức Chầu Bà) là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang lại giỏi cung kiếm. Thái thú Giao châu lúc bấy giờ là Tô Định đem lòng si mê, muốn cùng kết duyên nhưng bà không chịu, hắn bèn sai người giết hại cha của bà cùng với đức lang quân là Phạm Danh Hương. Thù nhà, nợ nước, bà đã tập hợp quân sĩ phất cờ khởi nghĩa. Năm 40 sau công nguyên, Chầu Bà đã sát cánh cùng với Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán. Chầu Bà được Trưng Nữ Vương phong cho chức Bát Nàn Đông nhung Đại tướng quân. Sau khi khởi nghĩa thành công Trưng Vương giao cho Chầu Bà cùng với nữ tướng Lê Chân (Thánh Thiên công chúa) trấn giữ miền duyên hải phía Bắc. Đền Chầu Bát thị trấn Đồng Mỏ, là nơi Chầu hóa. Để chào mừng lễ hội, đã có 5 đội sư tử đại diện cho 5 khu phố đến biểu diễn, tiếng trống, tiếng chiêng làm náo nhiệt khắp cả thị trấn, không khí vui tươi, rạng ngời trên từng khuôn mặt của người đến xem hội.
Lễ hội năm nay do được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức nên quy mô rất hoành tráng. Từ lễ hội điểm này, nhiều xã, thị trấn của huyện Chi Lăng sẽ tổ chức hội xuống đồng hay các lễ hội truyền thống của địa phương để nhân dân vui xuân, cầu cho mùa màng bội thu, có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cáp Trọng Lương
Ý kiến ()