Chi Lăng huy động nguồn lực xây dựng cầu dân sinh
- Trong những năm qua, Chi Lăng là huyện đứng đầu toàn tỉnh trong việc huy động mọi nguồn lực theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức chung tay và Nhân dân đối ứng thực hiện” để cứng hóa các công trình cầu dân sinh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống người dân.
Người dân thôn Sao Hạ, xã Mai Sao chuẩn bị máy móc để tổ chức thi công cầu Khuổi Khòn
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chia sẻ: Chi Lăng là huyện có hệ thống sông suối khá dày, bên cạnh những lợi ích mà những dòng sông, con suối mang lại thì nó cũng tạo ra sự cách trở trong đi lại, giao thương của người dân. Do đó, nhu cầu xây dựng những cây cầu vượt sông, suối để phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện là rất lớn và cấp thiết. Để có nguồn lực thực hiện, huyện Chi Lăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và lồng ghép các nguồn vốn. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng triển khai theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức chung tay và Nhân dân đối ứng thực hiện”.
Theo đó, trong năm 2023, huyện tập trung cân đối bố trí nguồn lực để hỗ trợ xi măng, kỹ thuật và vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ kinh phí, vật tư, vật liệu, ca máy và người dân nơi được xây dựng công trình cầu tham gia đối ứng bằng tiền mua vật liệu, đóng góp ngày công. Không những vậy, trong chương trình quảng bá, tiêu thụ na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023, huyện đã tổ chức đấu giá thành công các quả na được 770 triệu đồng để tạo thêm nguồn lực xây dựng các công trình cầu dân sinh.
Với phương pháp triển khai nêu trên, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, huyện Chi Lăng đã thực hiện cứng hóa 10 công trình cầu dân sinh với tổng trị giá 1,9 tỷ đồng. Trong đó: kinh phí nhà nước hỗ trợ bằng xi măng là 487 triệu đồng, người dân đối ứng được 985,5 triệu đồng và các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ 460 triệu đồng.
Chúng tôi khảo sát thực tế công trình xây dựng cầu dân sinh thôn Bản Dù xã Vân Thủy vào một ngày đầu tháng 3/2024, thời điểm này nhóm tổ thợ đang tất bật triển khai xây dựng. Ông Kiềng Văn Thêm, thôn Bản Dù cho biết: Công trình cầu Bản Dù, trước đây do người dân tự làm, nhưng trận lũ lịch sử tháng 5/2022 đã phá hủy hoàn toàn cây cầu. Được sự quan tâm của nhà nước, năm 2024, công trình được đầu tư xây mới, bà con rất mừng và cùng chung tay đóng góp nguồn lực để đối ứng xây dựng. Trong đó, 5 hộ gia đình trực tiếp được hưởng lợi từ công trình đóng góp mỗi hộ 4 triệu đồng, 3 hộ hưởng lợi gián tiếp (do có đất đai canh tác phải đi qua cầu) đóng góp từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Phách, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ thiết kế và tính toán tổng chi phí xây dựng công trình khoảng 130 triệu đồng. Để xây dựng công trình cầu Bản Dù, huyện hỗ trợ xi măng trị giá 18 triệu đồng, xã trích nguồn kinh phí dự phòng 40 triệu để hỗ trợ thi công; Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng và Nhân dân đối ứng 22 triệu đồng. Xã đã thành lập ban quản lý công trình và thôn thành lập tổ giám sát cộng đồng để quản lý tiến độ, chất lượng quá trình triển khai thi công. Theo thiết kế, công trình có quy mô 2 mố bê tông cốt thép, chiều dài cầu 6 m, mặt cầu rộng 3 m, dự kiến công trình sẽ hoàn thành đầu tháng 4/2024.
Còn tại công trình cầu dân sinh Khuổi Khòn, thôn Sao Hạ, xã Mai Sao do Nhân dân tự làm, chúng tôi cũng ghi nhận khí thế xây dựng rất khẩn trương của người dân nới đây.
Ông Vi Văn Chín, Tổ trưởng phụ trách thi công công trình cho biết: Đây là công trình bà con mong chờ từ lâu, khi huyện tổ chức đấu giá thành công quả na được 220 triệu đồng và đã quyết định đầu tư công trình bà con trong thôn rất phấn khởi và đồng thuận đối ứng khoảng 200 triệu đồng và trực tiếp đảm nhận việc triển khai xây dựng. Trên cơ sở nguồn lực có được, chúng tôi dự kiến thi công công trình trong khoảng 70 ngày.
Được biết, công trình cầu Khuổi Khòn có kết cấu 3 nhịp, chiều dài cầu 18 m, mặt cầu rộng 3,5 m, kết cấu bên dưới gồm 2 trụ và 2 mố bằng bê tông cốt thép, tổng dự toán công trình là 568 triệu đồng. Công trình được khởi công cuối tháng 2/2024, dự kiến hoàn thành đầu tháng 5/2024.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chi Lăng, trong năm 2024, huyện dự kiến xây dựng 6 cầu, đến nay đã có 4 công trình hoàn thành và đang triển khai thi công 2 cầu. Hiện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tiếp tục rà soát và phối hợp với các xã vận động người dân đóng góp nguồn lực để xây dựng thêm 2 công trình cầu tại xã Chiến Thắng và xã Chi Lăng.
Với phương thức triển khai “Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp, tổ chức chung tay và Nhân dân đối ứng thực hiện”, các công trình cầu dân sinh được xây dựng không chỉ củng cố kết cấu hạ tầng giao thông mà còn thể hiện sự đồng lòng chung sức của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng cường năng lực giao thông, thúc đẩy giao thương, phát triển sản xuất khu vực nông thôn, thực hiện hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()