Chi Lăng: Hợp tác xã phát huy vai trò trong tiêu thụ nông sản
– Những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Chi Lăng đã làm tốt vai trò “bà đỡ” trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản chủ lực của huyện.
Hiện nay, huyện Chi Lăng có 41 HTX đang hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau. Trong đó, có 7 HTX chuyên hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản, sản phẩm chế biến từ nông sản cho người dân trên địa bàn huyện, các HTX đã thể hiện vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp để kết nối bao tiêu, thu mua các loại sản phẩm nông sản cho người dân.
Thành viên HTX Thương mại và Dịch vụ Quang Huy (xã Chi Lăng) đóng gói quả na trước khi mang đi tiêu thụ
Ông Lương Hiệu Nghiệm, Giám đốc HTX Dịch vụ và Thương mại Đồng Tiến (xã Y Tịch) cho biết: Trước đây, bà con trên địa bàn huyện tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, HTX đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, các thành viên HTX đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con. Từ việc xác định sản phẩm, HTX đã tìm đến một số HTX, tổ hợp tác sản xuất các loại nông sản chủ yếu là quả na… Sau khi thống nhất, chúng tôi cùng các đơn vị sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với mỗi năm trên gần 50 tấn nông sản các loại.
Hay như tại HTX Thương mại và Dịch vụ Quang Huy, tại thôn Đồng Hóa – Minh Khai, xã Chi Lăng chủ yếu liên kết với các hộ trồng na VietGAP, GlobalGAP và vải thiều… Ông Hồ Văn Học, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện nay có 7 thành viên, được thành lập từ đầu năm 2021… Tính từ khi thành lập đến nay, mỗi năm chúng tôi tiêu thụ được gần 100 tấn na và vải thiều, đem tới thị trường các tỉnh, thành trên cả nước.
Không chỉ riêng 2 HTX nói trên, những năm qua, các HTX trên địa bàn huyện Chi Lăng đã không ngừng nỗ lực, từng bước phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân. Theo thông tin từ cơ quan chức năng huyện Chi Lăng, hiện nay, trên địa bàn huyện có các sản phẩm chủ lực có thế mạnh như: na, bưởi, hồi, thuốc lá, ớt, rau bò khai… Mỗi năm ước sản lượng đạt khoảng 50 nghìn tấn; trong đó các HTX đứng ra liên kết để tiêu thụ cho người dân với số lượng khoảng 20% trên tổng sản lượng thu hoạch. Điển hình như: HTX Nông sản Chi Lăng; HTX Nông nghiệp Hồng Nhung (xã Quan Sơn); HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Chiến Thắng (xã Chiến Thắng); HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ; HTX Thanh niên Chi Lăng…
Ông Vi Văn Hùng, xã Bằng Mạc cho biết: Mỗi vụ Đông – Xuân, gia đình tôi trồng khoảng 6 sào khoai tây. Trước đây, tôi phải tự tìm nơi tiêu thụ, có những năm sản phẩm không bán được đều bị hỏng hết. Từ năm 2021, sau khi tôi liên kết với HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Chiến Thắng, sản phẩm sản xuất ra được thu mua toàn bộ, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Vụ Xuân năm 2022, gia đình tôi thu 15 tạ khoai tây với giá bán từ 5.000 – 8.000 đồng/kg tùy từng loại, thu nhập gần 10 triệu đồng.
Trong khâu tìm kiếm thị trường, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị như: Vinmart; H Pro; Công ty Cổ phần HTS Việt Nam (Hà Nội). Đồng thời, mở gian hàng trên 2 sàn thương mại điện tử là Vỏ sò (voso.vn) và Postmart (postmart.vn); tìm kiếm và liên kết với các đơn vị kinh doanh qua mạng xã hội như facebook, zalo để tiêu thụ sản phẩm…
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua, các HTX trên địa bàn huyện đã nỗ lực vượt khó để phát huy nội lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con, qua đó, khẳng định được vai trò của HTX đối với sản xuất và phát triển kinh tế của huyện. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX của tỉnh. Cụ thể, đối với 7 HTX có hoạt động thu mua, tiêu thụ nông sản cho người dân đã có 4 đơn vị được UBND huyện thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản trên phương tiện thông tin đại chúng và hỗ trợ tham gia triển lãm hội chợ…
Theo đánh giá từ Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, Chi Lăng là một trong các huyện ở tốp đầu có số lượng HTX đăng ký hoạt động thu mua, bao tiêu nông sản cho người dân. Có thể khẳng định, việc liên kết giữa HTX với hộ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho nông dân trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức cần thiết. Thông qua liên kết góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Ý kiến ()