Chi Lăng: Hối hả vụ xuân
LSO-Những ngày này, nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng đang hối hả làm vụ xuân. Trên khắp các cánh đồng đâu đâu cũng vang lên tiếng ầm ào của máy bừa làm đất, tiếng cười nói râm ran.
LSO-Những ngày này, nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng đang hối hả làm vụ xuân. Trên khắp các cánh đồng đâu đâu cũng vang lên tiếng ầm ào của máy bừa làm đất, tiếng cười nói râm ran. Vụ này, Chi Lăng có hai niềm vui: thứ nhất, toàn huyện đang dồn lực sản xuất xây dựng nông thôn mới; thứ hai là mưa thuận gió hòa ngay từ đầu vụ.
Nông dân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cấy lúa xuân |
Trong gió lạnh cuối mùa nhưng anh Vy Văn Bẩy, người dân thôn Làng Đăng, xã Quang Lang vai áo vẫn ướt đầm mồ hôi. Cười thật tươi và nói với chúng tôi, anh phải làm đất nhanh để kịp khung thời vụ chú ạ. Để còn làm việc khác, không bị động. Làm đất cấy sớm thế này rút ngắn được 2 tuần để mùa sau xen canh vụ màu nữa. Năm nay, thời tiết thế này chắc thuận, không phải lo nước tưới. Nói xong, anh phăm phăm bước cùng chiếc máy bừa để lại đằng sau những thửa đất phẳng phiu chờ cấy. Trên khắp các cánh đồng từ Đồng Bành, Chi Lăng, Quang Lang đến Nhân Lý… người nông dân cũng đang tranh thủ làm đất, cấy nhanh diện tích lúa xuân trong không khí vui tươi phấn khởi đầu năm mưa thuận, gió hòa.
Năm nay, vụ lúa xuân, toàn huyện Chi Lăng đã làm đất được 2.895,5 ha, gieo mạ đạt 6,5 tấn, tăng 8,33% so với cùng kỳ. Riêng cây ngô trồng được 1050 ha, vượt 10,53%, diện tích các cây rau màu khác Chi Lăng đều vượt bình quân 5% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng ở đây là kể cả những xã khó khăn nhất, nhân dân đã sử dụng gần 70% giống mới. Nói như vậy nghĩa là còn một số ít diện tích người dân sử dụng các giống cũ cho chất lượng tốt nhưng năng suất chưa cao. Đây cũng là một cách sản xuất theo hướng lấy chất chứ không lấy lượng. Bước vào vụ sản xuất, Ban chỉ đạo huyện, các xã đã huy động hệ thống khuyến nông viên, các phòng, đơn vị chức năng như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường bám đồng, huy động nhân dân làm đất nhanh, tăng vòng quay của đất, giảm thời gian vụ để tránh mưa bão, phòng trừ sâu bệnh kịp thời khi cây lúa trỗ đòng. Các phương án vật tư đảm bảo sản xuất đã được tính rất kỹ. Ngay từ đầu vụ, toàn huyện đã dự trữ trên 1.300 tấn phân bón các loại và huyện đã đề nghị tổng kho dự trữ tăng phân bón hóa học lên 5% đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu.
Để khắc phục tình trạng giảm năng suất của năm 2012, toàn huyện đã tập trung vào khâu chuyển giao kỹ thuật, khắc phục thời tiết để sản xuất, các giống mới như LS1, ngô lai 999, K54 được đưa vào sản xuất đại trà. Theo anh Vy Nông Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, đây là một sự cố gắng lớn của cán bộ và nhân dân toàn huyện, nó thể hiện tính chủ động trong sản xuất. Cho tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định vụ xuân ở Chi Lăng đi những bước đi vững chắc. Bằng đẩy nhanh tiến độ, các hộ nông dân huy động hết nguồn nhân lực ra đồng theo kiểu tổ đổi công. Một hình thức sản xuất cũ nhưng nó lại phù hợp trong những ngày cần đẩy nhanh tiến độ mùa vụ, tiết kiệm được thời gian, khích lệ bà con thi đua sản xuất. Anh Hoàng Văn Học, nông dân xã Nhân Lý khẳng định, với tốc độ làm đất và cấy như năm nay chắc chắn khung thời vụ sẽ rút ngắn được 2 tuần. Với người nông dân 2 tuần trong một vụ là một quá trình phấn đấu tăng năng suất lao động.
Cho đến thời điểm hiện nay, nông dân Chi Lăng đang bước vào cấy rộ, hoàn thành nốt diện tích đã làm đất trong tháng 4 này. So với cùng kỳ các chỉ tiêu sản xuất đều đạt và vượt. Đáng mừng hơn, người nông dân đã chủ động rút ngắn khung thời vụ. Đây chính là tiết kiệm diện tích, tăng vòng quay của đất để có những hạt vàng, mang no ấm đến mọi nhà.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()