Chi Lăng: Hiệu quả từ câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
- Hiện nay, huyện Chi Lăng là địa bàn có số câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau nhiều nhất trong cả tỉnh. Thông qua sinh hoạt trong CLB, các thành viên, đặc biệt là NCT đã ngày càng được quan tâm chăm sóc, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
CLB liên thế hệ tự giúp nhau là tổ chức tự nguyện, được thành lập tại khu dân cư, liên khu dân cư, hoặc cấp xã với thành viên ở các thế hệ và lĩnh vực hoạt động khác nhau, trong đó NCT chiếm khoảng 70%. CLB đặt dưới sự quản lý của UBND cấp xã, qua đây nhằm tạo sự liên kết giữa các thế hệ trong chăm sóc, giúp đỡ các thành viên, đặc biệt là chăm sóc NCT về sức khỏe, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần. Hiện nay, huyện Chi Lăng là địa bàn thành lập được số CLB này nhiều nhất trong tỉnh, với 9 câu lạc bộ, 445 thành viên.
Ông Hoàng Việt Dũng, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT huyện Chi Lăng cho biết: Các CLB được thành lập từ năm 2018, ban đầu có 6 CLB, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện thành lập được thêm 3 CLB. Sau khi thành lập, các CLB đã ổn định tổ chức, cơ cấu thành viên đảm bảo về tỷ lệ thành phần, trong đó đặc biệt quan tâm đến thành viên NCT, NCT thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, ban chủ nhiệm các CLB xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
Hiện nay, ở huyện Chi Lăng có 8/9 CLB liên thế hệ tự giúp nhau được trang bị máy tính, loa đài, máy đo huyết áp, ghế, cân bàn để phục vụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, văn hóa văn nghệ... Cùng đó, có 7/9 CLB đã xây dựng được quỹ do các thành viên đóng góp với tổng số tiền gần 70 triệu đồng. Số tiền quỹ này chủ yếu để hỗ trợ thành viên hoàn cảnh khó khăn trong CLB vay lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2018 đến nay, các CLB đã tổ chức thăm hỏi, tặng 68 suất quà cho các thành viên thuộc hộ nghèo, gia đình có người ốm đau, tai nạn; tặng quà 47 gia đình thành viên là hộ nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn. Trong 5 năm trở lại đây, có 21 thành viên được vay quỹ từ CLB để mua trâu, máy cày và phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Thành viên các CLB cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Qua đó, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống.
Đối với hoạt động khác, trong đó đáng chú ý là công tác chăm sóc sức khỏe cho thành viên được các LCB quan tâm. Hiện nay, hầu hết các CLB đều có thành viên là cán bộ y tế, qua đó đã kịp thời khám và tư vấn sức khỏe cho thành viên. Từ năm 2018 đến nay, có trên 1.700 lượt thành viên đã được tư vấn chăm sóc sức khỏe, thăm khám, điều trị các loại bệnh. Ông Vũ Xuân Hiếu, cán bộ Trạm Y tế thị trấn Đồng Mỏ, thành viên CLB Liên thế hệ thị trấn Đồng Mỏ cho biết: CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Tại các buổi sinh hoạt, tôi đều tuyên truyền, tư vấn để các thành viên, đặc biệt là NCT trong CLB biết cách chăm sóc sức khỏe, phòng tránh các bệnh thường gặp về xương khớp, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, qua đó nhiều thành viên đã biết áp dụng, đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho bản thân.
Có thể khẳng định, CLB liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình ý nghĩa, hiệu quả, tăng cường sự gắn bó giữa các thế hệ và thành phần Nhân dân, qua đó giúp nhau nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hiệu quả mang lại từ mô hình này ở huyện Chi Lăng đáng để các địa bàn khác trong tỉnh tham khảo và nhân rộng.
Ý kiến ()