Chi Lăng: Điểm sáng phát triển cây ăn quả
(LSO) – Tận dụng thế mạnh, tiềm năng, thời gian qua, người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đưa nhiều loại cây ăn quả mới vào trồng và mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời điểm này, mặc dù bưởi chưa được thu hoạch nhưng gia đình bà Cao Thị Cẩm, thôn Làng Đồn đã nhận đủ đơn đặt hàng của khách. Bà Cẩm chính là người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về trồng trên đất bãi xã Chi Lăng. Bà Cẩm chia sẻ: Năm 2004, được giới thiệu của người quen, tôi về xã Phú Diễn, Hà Nội mua 200 cây bưởi về trồng thử. Sau 3 năm, cây cho thu hoạch và được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, tôi mở rộng diện tích trồng và mở rộng kinh doanh, cung cấp cây giống cho bà con quanh vùng. Vừa làm, tôi vừa tích lũy kinh nghiệm nên vườn bưởi của gia đình tôi hiện có năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Với 400 cây bưởi, trung bình mỗi cây cho thu từ 100 – 120 quả; cá biệt có những cây cho thu gần 200 quả; trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Học hỏi mô hình trồng bưởi của gia đình bà Cẩm, nhiều hộ dân trong xã cũng mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa, đất bãi kém hiệu quả sang trồng bưởi và trồng thêm một số loại cây ăn quả khác như: cam Vinh, ổi, táo đại, nhãn…
Người dân thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng thu hoạch ổi
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Với mục tiêu phát triển cây ăn quả là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi… Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức từ 4 – 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con….
Đồng thời, căn cứ vào thực tế, xã quy hoạch vùng để phát triển các loại cây trồng phù hợp nhằm giúp người dân khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất. Theo đó, các thôn vùng núi đá tập trung phát triển cây na; các thôn vùng núi đất phát triển cây bưởi, cam, vải, hồng…
Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của xã, cùng sự năng động, cần cù của người dân, diện tích cây ăn quả xã Chi Lăng ngày càng được mở rộng. Trước đây, toàn xã chỉ có khoảng 400 ha cây ăn quả (gồm na, vải). Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của xã lên tới gần 700 ha, gồm một số loại chủ yếu như: na (370 ha); vải (194 ha); bưởi (85 ha)… được trồng ở 14/14 thôn.
Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 200 – 400 triệu đồng/năm như: ông Lành Văn Lôi, thôn Làng Đồn; ông Hoàng Văn Nhị, thôn Đồng Đĩnh; bà Chu Thị Vinh, thôn Quán Thanh; ông Cao Văn Bình, thôn Làng Cằng… Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 38,6 triệu đồng/năm, tăng 21,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Ông Vi Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chi Lăng là một trong hai xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh (năm 2014). Từ đó đến nay, ngoài việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Chi Lăng đã tập trung phát triển các loại cây ăn quả có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ứng dụng quy trình sản xuất an toàn ngay từ các mô hình sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất na (60 ha), bưởi (10 ha) theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và sản xuất na trái vụ; trồng khảo nghiệm và mở rộng diện tích na giống mới (na Nữ hoàng); xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại… góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho bà con.
Ý kiến ()