Chi Lăng: Đẩy mạnh chương trình OCOP
– Những năm qua, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn đến người dân về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Nhờ đó, chương trình đạt những hiệu quả nhất định. Năm 2021, Chi Lăng là một trong những huyện có số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.
Y Tịch là một trong những xã có diện tích trồng na lớn của huyện Chi Lăng với 400 ha, trong đó, có trên 100 ha na VietGAP. Từ năm 2020, sản phẩm na của Hội Nông dân xã Y Tịch đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhận thấy những hiệu quả bước đầu từ chương trình OCOP đem lại như: nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường; bảo vệ thương hiệu sản phẩm…, năm 2021, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP. Qua đó, xã lựa chọn thêm sản phẩm na của gia đình bà Nguyễn Thị Đỏ (thôn Giáp Thượng 2) để hướng dẫn, hỗ trợ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với sản phẩm na của Hội Nông dân xã Y Tịch.
Người dân xã Y Tịch, huyện Chi Lăng chăm sóc vườn na
Ông Vương Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về lợi ích, ý nghĩa của chương trình thông qua các cuộc họp thôn, xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mở rộng diện tích trồng na theo quy trình VietGAP, thực hiện các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm.
Cũng trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, HTX Nông sản Chi Lăng (thị trấn Đồng Mỏ) có 2 sản phẩm là khau nhục Đồng Mỏ và lạp sườn Đồng Mỏ tham gia. Được biết, các sản phẩm này chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân tại huyện, thị trường còn khá hẹp. Từ khi biết đến chương trình OCOP, HTX đã chủ động tìm hiểu và liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện để được hỗ trợ xây dựng phương án. Ngay sau đó, HTX đã cải tổ khu vực chế biến nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… Đồng thời, sau một thời gian được hỗ trợ về bao bì, tem nhãn sản phẩm, HTX đã tự đầu tư để thiết kế, đặt hàng các loại bao bì, mẫu mã bắt mắt hơn.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản Chi Lăng (thị trấn Đồng Mỏ) cho biết: Chương trình OCOP giúp khẳng định về tính nhất quán, chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, tại nhiều tỉnh khác chương trình OCOP đã mang lại nhiều cơ hội để phát triển thị trường. Do vậy, năm 2021, HTX sẽ nỗ lực để xây dựng sản phẩm OCOP cũng như duy trì thứ hạng sản phẩm.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức lồng ghép các nội dung về chương trình OCOP tại 32 cuộc tập huấn, thu hút 1.300 người dân trên địa bàn tham gia. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chương trình được nâng lên rõ rệt so với khi mới triển khai. Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, toàn huyện có 20 sản phẩm của 7 chủ thể quản lý đề xuất tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó có 40% sản phẩm do các đơn vị sản xuất tự chủ động đề xuất với huyện. Qua quá trình khảo sát, đánh giá, Phòng NN&PTNT huyện lựa chọn 13 sản phẩm đáp ứng tốt các tiêu chí để tham gia chương trình OCOP như: tổ chức sản xuất; khả năng tiếp thị; chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng… Nhờ triển khai hiệu quả, năm 2021, Chi Lăng là một trong những huyện có số lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhiều nhất toàn tỉnh.
Ông Vũ Văn Nhân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: OCOP là một “tấm hộ chiếu” để đưa sản phẩm của địa phương đến những thị trường lớn hơn. Chi Lăng là một trong những huyện đầu tiên triển khai chương trình phát triển kinh tế số với việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy, việc xây dựng sản phẩm OCOP càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con về lợi ích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời, tiếp tục lựa chọn các sản phẩm đủ năng lực để hỗ trợ, xây dựng sản phẩm OCOP.
Hiện nay, tại một số địa phương, không ít đơn vị sản xuất vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng sản phẩm của mình trở thành sản phẩm OCOP. Thế nhưng, tại Chi Lăng, một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai chương trình OCOP chính là một số đơn vị sản xuất đã chủ động tìm đến cơ quan chuyên môn để được tư vấn, hướng dẫn. Từ đó, tự thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… để có thể đủ điều kiện tham gia chương trình. Được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hay không thì còn phải chờ đợt phân hạng đánh giá sản phẩm sắp tới, tuy nhiên, với sự chủ động, chuẩn bị kỹ càng của các chủ thể tham gia, các sản phẩm đặc sản của huyện Chi Lăng đang ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã, đây là tiền đề để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Chi Lăng từ năm 2019. Từ khi triển khai đến nay, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công tổng số 6 sản phẩm OCOP. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh và 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Với 13 sản phẩm tham gia đợt đánh giá phân hạng OCOP năm 2021, Chi Lăng là một trong những huyện có số lượng sản phẩm tham gia trong cùng 1 đợt lớn nhất từ trước đến nay. |
Ý kiến ()