Chi Lăng: Đa dạng giải pháp giảm nghèo
– Kết thúc năm 2022, huyện Chi Lăng còn 8,53% hộ nghèo, là 1 trong 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của tỉnh. Để đạt được kết quả như trên, những năm qua, huyện Chi Lăng đã chú trọng triển khai đa dạng các biện pháp giảm nghèo.
Người dân tại xã Y Tịch, huyện Chi Lăng chăm sóc bò sinh sản được hỗ trợ từ dự án giảm nghèo
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã trên địa bàn xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, trong đó, tập trung rà soát, phân loại hộ nghèo kỹ lưỡng theo các tiêu chí nghèo đa chiều. Từ đó, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo cũng như nguồn lực có thể thoát nghèo của từng hộ, nhóm hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Theo đó, để tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo bền vững, chính quyền, ngành chức năng huyện Chi Lăng chú trọng hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế theo các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đơn cử như năm 2022, huyện triển khai hỗ trợ 5 xã Gia Lộc, Bằng Hữu, Thượng Cường, Bằng Mạc, Hòa Bình thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng cỏ voi đối với các hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2023 tiếp tục hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Y Tịch; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm tại xã Hữu Kiên…
Ông Vương Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Bên cạnh phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện triển khai các dự án giảm nghèo, chính quyền xã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Hiện trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng cam đường Canh (5 ha); trồng na (450 ha), thuốc lá (283 ha)… Kết thúc năm 2022, toàn xã có 18/81 hộ thoát nghèo. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, năm 2023, xã được UBND huyện hỗ trợ 23 con bò sinh sản cho 10 hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ trên 9 tấn phân bón cho 25 hộ nghèo và cận nghèo. Qua đó, giúp người dân có thêm nguồn lực để vươn lên phát triển kinh tế.
Để phát triển các mô hình sản xuất thì nguồn vốn đóng vai trò tiên quyết, vì vậy, thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn ưu đãi. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay (số liệu tính đến ngày 30/9/2023), tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội do các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội trên địa bàn huyện nhận ủy thác đạt trên 74 tỷ đồng cho 1.052 lượt hộ nghèo (40 tỷ đồng), hộ cận nghèo (22 tỷ đồng) và hộ mới thoát nghèo (12 tỷ đồng) vay để phát triển sản xuất.
Ông Hoàng Văn Mạnh, thôn Lũng Mắt, xã Gia Lộc cho biết: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Năm 2021, được UBND xã và các tổ chức đoàn thể xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi, gia đình đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi lợn. Cùng đó, tôi tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng rừng hồi. Từ mô hình chăn nuôi lợn và phát triển rừng hồi, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng. Đầu năm 2023, gia đình tôi đã làm thủ tục vay thêm 50 triệu đồng để trồng mới 0,5 ha hồi, nâng diện tích hồi lên gần 2 ha. Qua kết quả rà soát của Ban giảm nghèo xã vào đầu tháng 10/2023, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bên cạnh đó, để người dân có kiến thức triển khai các mô hình kinh tế, huyện cũng quan tâm mở các lớp đào tạo nghề cho người dân. Tính từ năm 2022 đến nay, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan của huyện đã phối hợp tổ chức 17 lớp dạy nghề về: kỹ thuật chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò sinh sản; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây na… cho 582 lao động nông thôn. Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các cấp, từ năm 2022 đến nay, huyện cũng đã triển khai tập huấn cho 1.413 lượt đại biểu; tổ chức đoàn cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo đi học tập kinh nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc cho biết: Năm 2023, mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong việc triển khai công tác giảm nghèo như: còn hộ nghèo chưa chủ động, chưa mạnh dạn đăng ký tham gia các dự án giảm nghèo, vẫn còn một số ít hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; công tác giải ngân một số nguồn vốn giảm nghèo còn gặp khó khăn… Nhưng xác định rõ vấn đề, phòng đã tham mưu UBND huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; theo dõi sát sao việc triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả… Qua đó, giúp người dân có thêm điều kiện để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện phòng đang tiếp tục tham mưu huyện triển khai hoàn thành các dự án giảm nghèo của năm, phấn đầu hoàn thành mục tiêu giảm từ 3% tỷ lệ hộ nghèo khi kết thúc năm 2023.
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Chi Lăng những năm qua đạt được kết quả tích cực. Kết thúc năm 2022, huyện còn 1.643 hộ nghèo, chiếm 8,53% tổng số hộ dân, giảm 497 hộ so với năm 2021, tương đương giảm 3,04%, vượt kế hoạch đề ra. Với những giải pháp đã và đang thực hiện, mục tiêu giảm từ 3% tỷ lệ hộ nghèo huyện đề ra cho năm 2023 đang từng bước được hiện thực hóa, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.
Ý kiến ()