Chi Lăng: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung
(LSO) – Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Đinh Hữu Học, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng đã trình bày tham luận về “Kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn huyện Chi Lăng”. Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng bài tham luận của đồng chí Đinh Hữu Học.
Huyện Chi Lăng có tổng diện tích đất tự nhiên trên 700 km2, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 120 km2 nhưng phần lớn chia cắt, phân tán và luôn thiếu nước về mùa khô; với đặc thù của huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chưa gắn với thị trường, ít qua chế biến, giá trị kinh tế không cao, thu nhập không ổn định, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tế của địa phương, để thay đổi nhận thức, tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chi Lăng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã lựa chọn nội dung đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề số 25 ngày 27/7/2016 về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn rà soát về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu để quy hoạch thành 3 vùng kinh tế: vùng trung tâm (gồm 5 xã và 2 thị trấn); vùng núi đá (gồm 7 xã) và vùng núi đất (gồm 7 xã). Gắn với từng vùng kinh tế, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày. Sau 5 năm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, đến nay, kinh tế nông nghiệp của huyện chuyển dịch đúng hướng, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nông dân được tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Lãnh đạo huyện Chi Lăng thăm mô hình vườn na VietGap trên địa bàn thị trấn Đồng Mỏ. Ảnh: Trí Dũng
Trên địa bàn huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng cây thuốc lá (diện tích trên 900 ha; giá trị kinh tế hằng năm trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây hồi (diện tích trên 1.400 ha; giá trị kinh tế trên 50 tỷ đồng); vùng trồng ớt (diện tích trên 500 ha; giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng); vùng trồng cây có múi (diện tích trên 400 ha, giá trị kinh tế trên 70 tỷ đồng). Đặc biệt là vùng sản xuất na tập trung (diện tích trên 1.800 ha; giá trị kinh tế năm 2020 ước đạt trên 700 tỷ đồng), mang lại thu nhập ổn định và làm giàu cho trên 3.500 hộ gia đình tại 9 xã, thị trấn.
Từ quan điểm, mục tiêu, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, để đạt được kết quả như trên, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp như sau:
Trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Huyện ủy đã lựa chọn nội dung đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới sâu rộng, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện từ huyện đến các xã, thị trấn và đến từng thôn, khu phố; chỉ đạo thành lập Tổ hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ; Tổ hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân dân tham quan, học tập, từ đó lan tỏa, nhân rộng trong nhân dân. Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện và kết quả thực hiện nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm.
Thứ hai là giải pháp về tổ chức lại sản xuất
– Huyện chỉ đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một vụ, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 500 ha đất khô hạn sang trồng na và các cây ăn quả như: bưởi, cam, hồng, quýt và các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác.
– Hằng năm, huyện đều chỉ đạo tổ chức phát động sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để làm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán canh tác của người dân từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Riêng đối với cây na, đến nay, người dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như: thụ phấn nhân tạo, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, rải vụ thu hoạch na… để tăng năng suất, giá trị kinh tế từ cây na.
Thứ ba là giải pháp về tổ chức thị trường
– Chỉ đạo củng cố và thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp để tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ tem nhãn, bao bì, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ nhận diện sản phẩm, đồng thời lan tỏa trong nhân dân về việc tổ chức sản xuất an toàn, giá trị kinh tế cao.
– Phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
– Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, huyện Chi Lăng đã phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức thành công Ngày hội Na Chi Lăng. Thông qua ngày hội, ngoài việc tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân, giữ gìn và nâng cao chất lượng thương hiệu đặc sản na Chi Lăng còn hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh, quảng bá các đặc sản nông sản của huyện Chi Lăng và các đặc sản của tỉnh.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Chi Lăng rút ra 4 bài học kinh nghiệm như sau:
– Thứ nhất, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thực sự quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải vào cuộc. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải làm sao để người dân thực sự đồng thuận, là chủ thể tổ chức thực hiện và là người hưởng lợi nhiều nhất.
– Thứ hai, phải xây dựng được các mô hình điểm, mô hình tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để từ đó lan tỏa, nhân rộng trong Nhân dân.
– Thứ ba, phải áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, sản xuất sạch, an toàn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
– Thứ tư, phải tổ chức tốt thị trường, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; thị trường quyết định khâu sản xuất, sản xuất cái gì thị trường cần, không phải sản xuất cái gì mình có theo đúng quy luật cung cầu của thị trường.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trong thời gian tới, huyện Chi Lăng có 3 đề xuất, kiến nghị đối với tỉnh.
Một là, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 8/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2020-2025. Trong đó quan tâm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết, đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Hai là, quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn nhất là các công trình thủy lợi, đường giao thông trực tiếp phục vụ sản xuất và phục vụ sinh hoạt thiết yếu của người dân.
Ba là, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện trong việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu; quảng bá, truyền thông, kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là đặc sản na Chi Lăng.
Ý kiến ()