Chi Lăng chú trọng phát triển chăn nuôi
LSO - Những năm qua, mặc dù chăn nuôi bị tác động của thị trường, dịch bệnh,… song các cấp chính quyền và nhân dân huyện Chi Lăng chú trọng phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững. Điều này không chỉ giúp các hộ nông dân từng bước vươn lên làm giàu mà còn góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Mô hình nuôi bò sinh sản của ông Triệu Văn Trù, thôn Quán Hàng, xã Thượng Cường giúp gia đình ông thoát nghèo và vươn lên làm giàu
Anh Hà Văn Hợi, thôn Kéo Phầy, xã Bằng Hữu cho biết: gia đình anh có 4 sào ruộng nhưng do sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên nên chỉ cấy lúa được vào mùa mưa, còn mùa khô không có nước sản xuất phải bỏ không. Vì vậy, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Được các đoàn thể của xã tuyên truyền, tạo điều kiện cho anh được tham dự các lớp tập huấn kĩ thuật về chăn nuôi tại xã, vay vốn ngân hàng, năm 2011, anh đầu tư chăn nuôi dê. Do áp dụng đúng kỹ thuật nên đàn dê phát triển tốt. Hiện tại, gia đình anh có 80 con dê, hai năm gần đây cho thu 50 triệu đến 60 triệu đồng/năm. Từ đó, anh có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình, đời sống được nâng lên đáng kể. Qua tìm hiểu, phong trào chăn nuôi của xã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân đã chủ động học tập kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, từng bước áp dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi như xây dựng chuồng trại, thực hiện tiêm phòng, điều trị bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y,… Vì vậy, trong 3 năm trở lại đây, đã xuất hiện những hộ chăn nuôi tập trung như: hộ ông Lưu Văn Pần, thôn Pá Tào với mô hình chăn nuôi dê lên tới 60 con; ông Vi Văn Thự, thôn Thồng Noọc đầu tư chăn nuôi 8 con trâu; ông Vi Văn Thành, thôn Thồng Noọc, chăn nuôi 30 con lợn thịt/lứa;…
Chị Dương Thị Hằng, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc phấn khởi: trước đây gia đình chị chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa nuôi từ 2 đến 3 con lợn. Nhưng từ khi được học các lớp tập huấn kĩ thuật về chăn nuôi tổ chức ở xã nên khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào gia đình cũng nuôi trên 20 con lợn/lứa và 2 con lợn nái. Việc chăn nuôi của gia đình ngày càng có hiệu quả, mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đến 60 triệu đồng, đời sống gia đình ngày càng khá lên. Không chỉ gia đình chị Hằng, nhiều hộ khác trong xã đời sống ngày càng khá lên nhờ chăn nuôi đúng hướng. Theo ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc, mấy năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi của xã ngày càng phát triển. Từ chăn nuôi, đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để chăn nuôi đàn gia súc thực sự trở thành sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, trong những năm tới, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt,… Đồng thời tập trung nguồn lực, vận động nhân dân làm chuồng trại cho gia súc bảo đảm phòng, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông.
Phong trào phát triển chăn nuôi không chỉ được chú trọng ở 2 xã trên mà còn được phát triển ở các xã khác trong toàn huyện. Và, từ chăn nuôi đúng hướng, hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Bà Hà Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: trong những năm qua, mặc dù chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường, dịch bệnh song đàn vật nuôi trên địa bàn huyện vẫn duy trì ổn định và phát triển. Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các xã triển khai các biện pháp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Cụ thể như: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi của người dân; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong chăn nuôi; nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, phát triển các hình thức trao đổi kinh nghiệm; nâng cao chất lượng các chương trình khuyến nông, các dự án hỗ trợ sản xuất;…
Từ đó, phong trào phát triển chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực, người dân đã chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện toàn huyện có 376.340 con gia súc, gia cầm (trong đó, trâu có gần 15 nghìn con; bò gần 8.600 con; lợn có 36.280 con; gia cầm có 308.312 con; dê có gần 7 nghìn con; ngựa gần 1.300 con). Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chăn nuôi như: chăn nuôi ngựa ở khu vực xã Hữu Kiên, Quan Sơn; chăn nuôi dê ở các xã Liên Sơn, Văn An, Chiến Thắng; chăn nuôi trâu, bò ở 7 xã khu vực núi đá (gồm Thượng Cường, Gia Lộc, Hòa Bình, Vạn Linh, Y Tịch, Bằng Mạc, Bằng Hữu). Theo định hướng đến 2015, huyện Chi Lăng sẽ xây dựng 2 địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại xã Vạn Linh và xã Mai Sao để góp phần tiêu thụ sản phẩm đàn vật nuôi.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
Ý kiến ()