Chi Lăng chú trọng giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
(LSO) – Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, ban hành ngày 23/3/2016 về phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) và Kế hoạch số 13/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2017-2020, từ năm 2017, Ban Chỉ đạo Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Chi Lăng đã chú trọng thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS và đạt được những kết quả tích cực.
Tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, từ năm 2018 đến nay, tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh (GTKS) của xã giảm dần theo các năm. Năm 2017, tỷ lệ chênh lệch GTKS trên địa bàn xã là 40 trẻ trai/30 trẻ gái. Đến năm 2020, tỷ lệ nam giới sinh ra giảm, có 21 trẻ trai/31 trẻ gái.
Cán bộ chuyên trách dân số Trạm Y tế thị trấn Đồng Mỏ (ở giữa) tuyên truyền chính sách về DS-KHHGĐ cho người dân
Chị Vi Thị Ánh Nguyệt, cán bộ chuyên trách dân số, Trạm Y tế xã Mai Sao cho biết: Từ năm 2017, thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS của tỉnh, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả, sự cần thiết phải kiểm soát MCBGTKS; vận động người dân chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, khỏe mạnh, sinh con theo quy luật tự nhiên, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền cho các nhóm đối tượng: các cặp vợ chồng nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ; vị thành niên, thanh niên…
Cùng với xã Mai Sao, ở xã Bằng Mạc, công tác trên cũng được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, có hàng nghìn lượt người trên địa bàn xã được cung cấp thông tin về MCBGTKS qua các hình thức tuyên truyền như: truyền thông tại trạm y tế, nhóm, hộ gia đình, phối hợp tuyên truyền tại các cuộc họp của hội phụ nữ, hội người cao tuổi… Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, tỉ lệ trẻ trai sinh ra luôn thấp hơn tỉ lệ trẻ gái. Năm 2020, xã Bằng Mạc, có 18 trẻ trai/19 trẻ gái được sinh ra.
Không chỉ xã Mai Sao và Bằng Mạc, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chi Lăng đều chú trọng thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Ông Lành Văn Chi, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2017, thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS của tỉnh, chúng tôi đã triển khai các giải pháp như: tăng cường truyền thông theo nhóm đối tượng, hỗ trợ một số trường hợp sinh con đúng chính sách; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi.
Từ khi thực hiện đề án đến nay, ngành dân số huyện Chi Lăng đã tổ chức được 144 buổi nói chuyện chuyên đề với gần 11.600 lượt người tham dự, cấp phát 3.044 cuốn tài liệu, gần 14.500 tờ rơi. Hàng năm, nội dung của đề án còn được lồng ghép trong các hoạt động truyền thông tại các tổ, hội, nhóm, hộ gia đình… với hàng nghìn lượt người nghe. Ngoài ra, trên địa bàn huyện, có 13 xã, thị trấn đã thành lập được câu lạc bộ gia đình hạnh phúc gồm 368 hội viên, duy trì sinh hoạt theo quý. Đây là những hạt nhân tích cực trong tuyên truyền các chính sách về DS-KHHGĐ cho người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân về MCBGTKS được nâng lên.
Chị Linh Kim Thúy, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Tôi được nghe cán bộ dân số của thị trấn, huyện tuyên truyền nhiều về MCBGTKS, những ảnh hưởng của nó đối với đời sống, xã hội. Hiện tại, gia đình tôi có hai con gái. Các cháu khỏe mạnh và chăm ngoan, tôi không có ý định sinh thêm.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của trung ương, huyện Chi Lăng đã quan tâm hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số (theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 27/4/2015, quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Từ khi thực hiện đề án đến nay, có 332 trường hợp trên địa bàn là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số (chỉ sinh đủ 2 con và cam kết không sinh thêm) được hỗ trợ với tổng kinh phí 664 triệu đồng.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu lực thực thi của pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, hằng năm, ngành dân số huyện đã tổ chức các hoạt động quản lý, giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ phá thai trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức được 5 cuộc giám sát.
Nhờ những nỗ lực đó, trong giai đoạn 2017-2020, tỉ lệ MCBGTKS của huyện giảm dần qua các năm. Năm 2020, tỉ số GTKS của huyện là 106 bé trai/100 bé gái, giảm 15 điểm % so với năm 2017. Thấp hơn 8,8 điểm % so với toàn tỉnh.
Để duy trì kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, ngành dân số huyện Chi Lăng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trên địa bàn trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ; phấn đấu duy trì tỷ số GTKS thấp hơn 109 trẻ trai/100 trẻ gái.
“Những năm qua, tỉ lệ MCBGTKS ở huyện Chi Lăng đã giảm đều qua các năm, góp phần giảm thiểu tỉ lệ MCBGTKS của tỉnh. Năm 2020, tỉ số GTKS của huyện Chi Lăng thấp nhất trên địa bàn tỉnh, đạt mức cân bằng tự nhiên 104 -106 bé trai/100 bé gái. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh |
Ý kiến ()