Chi Lăng Chủ động tìm “đầu ra” cho ớt
– Diện tích trồng ớt vụ Xuân năm 2023 của huyện Chi Lăng khoảng 630 ha, sản lượng ước đạt khoảng 4,5 – 5 nghìn tấn. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa ớt vụ Xuân sẽ đến thời điểm thu hoạch. Để đảm bảo giá ớt ổn định, thời điểm này, UBND huyện Chi Lăng đã triển khai một số biện pháp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt của người dân trên địa bàn huyện.
Nông dân xã Nhân Lý chăm sóc và bắt đầu thu hoạch ớt ở diện tích trồng sớm
Những năm trước (2021 và 2022), sản lượng ớt vụ Xuân đạt rất cao (6 – 6,5 nghìn tấn) nhưng do việc liên kết tiêu thụ của người trồng ớt ở Chi Lăng chưa nhiều, khoàng 80% sản lượng ớt của huyện phụ thuộc các tư thương thu mua tự do. Chính vì thế mà giá trị kinh tế sản phẩm ớt đạt hiệu quả chưa như mong muốn, giá trung bình cả vụ là 18 nghìn đồng/kg, có nhiều thời điểm giá chỉ từ 8 – 10 nghìn đồng/kg.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn đó, để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt, ngay từ đầu tháng 4/2023, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, tham mưu tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua nông sản trên địa bàn huyện cũng như tại các địa phương khác để bàn, thỏa thuận tìm hướng tiêu thụ cho sản phẩm ớt, thu mua ớt có giá tốt nhất cho bà con nông dân.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để khâu tiêu thụ ớt đảm bảo ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con trồng ớt trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan xây dựng danh sách các “khách hàng tiềm năng” để triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác thu mua, tiêu thụ sản phẩm ớt quả tươi trong vụ Xuân này.
Đến thời điểm hiện tại, phía huyện Chi Lăng đã đạt được thỏa thuận liên kết trong khâu tiêu thụ ớt đối với Công ty TNHH MTV An Hải Phát (ở tỉnh Lào Cai), Công ty TNHH An Khang (ở huyện Cao Lộc), Công ty TNHH Ngọc Diệp (thành phố Lạng Sơn), Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) và một số tư thương chuyên thu mua ớt với số lượng lớn trên địa bàn huyện Chi Lăng và một số địa bàn khác.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ cho biết: Năm nay, phía chính quyền huyện đã chủ động gặp gỡ, trao đổi và thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm ớt. Qua ký kết, Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ đã cam kết thực hiện thu mua từ 500 – 1.000 tấn ớt thu hoạch được trong vụ này.
Ngoài Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, qua thỏa thuận hợp tác thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và một số tư thương có quy mô lớn đều cam kết đảm bảo thực hiện tiêu thụ toàn bộ sản lượng ớt thu hoạch vào vụ Xuân này (sản lượng dự ước đạt 4,5 – 5 nghìn tấn). Và giá cam kết thu mua sản phẩm ớt quả tươi trên địa bàn huyện Chi Lăng không dưới 15 nghìn đồng/kg.
Trao đổi qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc TNHH MTV An Hải Phát (Lào Cai), chúng tôi được biết, công ty sẽ tập trung thu mua ớt trong vùng trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn huyện Chi Lăng để tổ chức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo dự kiến của bạn hàng từ phía Trung Quốc, công ty sẽ thực hiện xuất khẩu khoảng 1.000 tấn ớt quả tươi và ớt sấy khô.
Không dừng lại ở việc sớm triển khai giải phát xúc tiến thương mại cho sản phẩm ớt của huyện, mà ngay khi bước vào gieo trồng ớt vụ Xuân năm 2023, UBND huyện Chi Lăng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức xây dựng, thiết lập hồ sơ và triển khai các bước đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cấp mã số vùng trồng ớt. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 36 mã vùng trồng ớt trên địa bàn huyện Chi Lăng với diện tích 320 ha.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Ngay từ đầu vụ ớt Xuân năm 2023, phòng đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn vận động bà con tăng quy mô diện tích ớt trồng theo theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng vùng trồng để được cấp mã số nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm ớt. Theo đó, hiện diện tích ớt Xuân năm 2023 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn toàn huyện hiện đạt gần 400 ha, tăng hơn 80 ha so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại, ngoài hơn 320 ha diện tích ớt theo tiêu chuẩn VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng, hiện nay phía huyện Chi Lăng đang tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện các bước để đề nghị phía Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục xem xét, cấp mã số vùng trồng cho hơn 80 ha diện tích ớt trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tăng thêm.
Cùng với đó, ngay từ đầu vụ, chính quyền các cấp của huyện Chi Lăng đã thực hiện liên kết với một số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nông sản xây dựng hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT để được cấp mã số đóng gói bao bì sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, 3 cơ sở xuất khẩu ớt thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm ớt của huyện Chi Lăng đã được cấp mã số cơ sở đóng gói sản phẩm ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Với sự chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm ớt, UBND huyện Chi Lăng và các phòng, ban chuyên môn liên quan đã giúp bà con nông dân trồng ớt từng bước giải “bài toán” khó nhất. Cách làm này sẽ giúp bà con nông dân không bị thua thiệt, đồng thời nâng giá trị kinh tế của sản phẩm ớt của huyện Chi Lăng.
Ý kiến ()